Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia nên ứng phó dịch đậu mùa khỉ với mục tiêu ngăn chặn virus lây truyền từ người sang người, đặc biệt là trong nhóm nguy cơ cao, gồm cả nam và nữ quan hệ tình dục đồng giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mối quan tâm không chỉ nên giới hạn ở người dễ mắc bệnh. Theo Học viện Da liễu Mỹ, người từng tiếp xúc gần với nguồn lây cũng có thể mắc đậu mùa khỉ. Cụ thể, quần áo, ga gối, khăn mặt hoặc vật dụng khác như dụng cụ ăn/bát đĩa bị nhiễm virus cũng có thể là nguồn lây cho người khác.
Bệnh có biểu hiện cụ thể trên da, chủ yếu là mẩn đỏ và mụn nước, song có thể bị nhầm lẫn với một số loại bệnh ngoài da khác.
Các chuyên gia đã chỉ ra đặc điểm cụ thể của đậu mùa khỉ trên da.
Mụn mủ có mẩn đỏ xung quanh
Biểu hiện đặc trưng của bệnh đậu mùa khỉ là các tổn thương giống như mụn nhọt. Đầu tiên, người bệnh sẽ phát ban ngoài da. Sau đó, vết phát ban tiến triển thành mụn mủ, mụn nước và cuối cùng đóng vẩy.
Theo Viện Da liễu Mỹ, phát ban có thể ở bất cứ đâu, kể cả mặt và tứ chi. Tiến sĩ Christine Ko, Khoa Da liễu tại Đại học Yale, cho biết các nốt đậu mùa khỉ ở giai đoạn đầu có thể giống với mụn mủ với mẩn đỏ xung quanh.
Ngoài ra, người bệnh còn bị phát ban đỏ ở bộ phận sinh dục hoặc bẹn. Phát ban cũng có thể giống với "vết sưng tấy dưới da, có mẩn đỏ kèm theo".
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh đậu mùa khỉ kéo dài từ hai đến 4 tuần. Mọi người có thể lây nhiễm cho đến khi vết phát ban lành hoàn toàn, cơ thể hình thành lớp da mới.
Phát ban kèm sưng hạch bạch huyết
Đặc điểm khác để phân biệt đậu mùa khỉ với bệnh do virus khác là tình trạng sưng tấy hạch bạch huyết, gây đau đớn.
Các hạch bạch huyết trở nên lớn hơn, thường là vào thời điểm bệnh nhân bị sốt. Hạch nổi vài ngày trước khi xuất hiện triệu chứng phát ban.
"Vùng bẹn hoặc bộ phận sinh dục bị sưng đỏ kèm cảm giác đau. Đó chính là các hạch bạch huyết, có thể liên quan đến đậu mùa khỉ, đặc biệt là khi bệnh nhân có thêm triệu chứng đau trực tràng", tiến sĩ Ko cho biết.
Warren Heymann, giáo sư y khoa và nhi khoa, Trưởng Khoa Da liễu tại Trường Y Cooper, khuyến cáo mọi người kiểm tra các triệu chứng ngoài da trước khi quan hệ tình dục nếu từng tiếp xúc với người bệnh đậu mùa khỉ.
Mụn rộp trên tay một bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ. (Ảnh: Insider).
Vết phát ban đầu tiên xuất hiện ở nhiều bộ phận
Theo các mô tả ban đầu, nhiều bệnh nhân phát hiện bị đậu mùa khỉ từ một vết phát ban ở vùng bẹn. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo đây là loại virus lây lan toàn thân. Các triệu chứng ngoài da có thể biểu hiện ở bất cứ đâu, kể cả mắt.
Tiến sĩ Ko cho biết các bác sĩ da liễu vẫn đang tìm hiểu về cơ chế biểu hiện của đậu mùa khỉ trên da, bao gồm các vết phát ban khác nhau và triệu chứng liên quan. Tuy nhiên, điều khiến bà ngạc nhiên là mụn nước có thể lan rất nhanh.
"Nếu bạn nổi mụn nước, đặc biệt là mụn nước căng bóng hoặc mụn mủ và chúng lan ra toàn thân, hãy đi khám vì có thể bạn đã nhiễm đậu mùa khỉ", bà nói.
Các triệu chứng dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ
Các chuyên gia đã chỉ ra một số tình trạng dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ.
Đầu tiên là hiện tượng chốc lở. Đây là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn, kèm mụn nước đóng vảy bên trên. Tiếp theo là tình trạng nhiễm nấm, khiến da phồng rộp. Nhiễm nấm thường gây ra các phát ban có vảy màu hồng, đôi khi khiến da phồng rộp.
Bệnh giang mai cũng dễ nhầm lẫn với đậu mùa khỉ, bởi các vết phát ban có hình dạng khá giống.
Các loại bệnh từ virus khác như herpes, varicella (virus thủy đậu), bệnh tay chân miệng đều là những loại bệnh phổ biến có vết phát ban giống với đậu mùa khỉ.