Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe nhiều đến các cụm từ "rét đậm, rét hại" như trên trong các bản tin thời tiết nhưng đã có bao giờ bạn tự hỏi điểm khác nhau giữa hai khái niệm này chưa? Nếu vậy hãy cùng tìm hiểu chi tiết vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Thật ra việc phân biệt hai khái niệm này rất đơn giản, điểm khác nhau cơ bản nhất của chúng chính là nhiệt độ trung bình ngày, cụ thể:
- Trời lạnh là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 20 đến 22 độ C.
- Trời rét: Khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 15 đến 20 độ C.
- Rét đậm là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực dao động phổ biến trong khoảng từ 13 đến 15 độ C.
- Rét hại là khi nhiệt độ trung bình ngày trong khu vực giảm xuống dưới 13 độ C (Có hai kiểu rét hại mà chúng ta sẽ xét chi tiết ở cuối bài viết này).
Đây là hai hiện tượng chủ yếu được dùng cho vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ và những thuật ngữ này không áp dụng đối với vùng núi (lý do là ở vùng núi, việc xảy ra hai hiện tượng này hầu như xảy ra suốt tháng thay vì từng đợt).
Đơn cử như ở Sapa (Lào Cai), rét đậm xảy ra hầu như suốt tháng 12, tháng 1 và tháng 2.
Vậy tại sao lại phải phân biệt "rét đậm" với "rét hại" như vậy?
Sở dĩ hai khái niệm này lại được tách biệt rõ ràng như vậy vì ở miền Bắc nước ta, sản xuất với cây lúa là cây lương thực chủ đạo và đây là nơi có các hoạt động sản xuất nông nghiệp nhiều nhất vào mùa lạnh.
Do đó, hai khái niệm "rét đậm" và "rét hại" được sử dụng chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm giúp bà con nông dân có biện pháp đối phó thích hợp với hiện tượng thời tiết cực đoan này cũng như nhận thức được mức độ ảnh hưởng của chúng đến mùa vụ.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tính toán được mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ trung bình ngày đến khả năng quang hợp của cây để dựa vào đó chia làm hai cấp độ như trên.
Nếu thời tiết rét đậm, rét hại chỉ xảy ra trong 1 ngày thì khả năng quang hợp và phát triển của cây vẫn bình thường. Tuy nhiên nếu kéo dài từ 2 ngày trở lên thì có thể khiến cây bị mất sức đề kháng và chết do không còn khả năng quang hợp và tự bảo vệ mình.
Một điều cần lưu ý nữa là "rét đậm" và "rét hại" phải đi kèm với hiện trạng thời tiết nhiều mây, đầy mây và có thể có mưa nhỏ (nếu không thì sẽ không được xem là rét đậm và rét hại dù nhiệt độ trung bình ngày xuống ngưỡng 15 hay 13 độ C.
Phân loại các kiểu rét thường gặp. (Ảnh: Thành Luân).
Ngoài ra, theo chia sẻ của ông Lê Thanh Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia trên Khoa học và Đời Sống thì rét hại còn được chia làm 2 kiểu rất đặc trưng: Rét đậm khô và rét đậm ẩm (ướt).
- Trong đó, rét ẩm (ướt) là kiểu rét tê cóng, buốt chân tay với độ ẩm không khí rất cao (80 đến 90%), nhiệt độ khoảng 10 độ C kèm mưa hay thậm chí tuyết rơi, tuyết phủ hoặc băng ở các vùng núi cao, nhiệt độ trong nhà hay bên ngoài đều không khác nhau là mấy.
- Rét khô thì còn khó chịu hơn với nhiệt độ không khí có thể xuống thấp hơn đến 7 - 9 độ C, độ ẩm 20 - 30%, nhưng không có mưa hoặc thậm chí ban ngày còn có nắng hửng. Ban đêm, ở các cùng núi lại có băng giá, sương muối, nhiệt độ trong nhà ấm hơn bên ngoài một chút.
Một quy luật thường thấy nữa là nếu nửa đầu mùa rét đậm, rét hại hay xảy ra rét khô thì vào nửa cuối mùa sẽ xảy ra rét ẩm. Như vậy trong các kiểu rét thường gặp thì rét khô là 'đáng sợ' nhất vì nhiệt độ lúc này xuống rất thấp (7 đến 9 độ C).