Sử dụng "chấm lượng tử" để chống lại siêu khuẩn và nhân loại có thể tìm thấy sự sống ngoài hành tinh trong vòng hai thập kỷ tới là hai phát hiện đáng chú ý trong thời gian gần đây.
Các nhà khoa học cho biết những hạt nano kích hoạt bằng ánh sáng hay còn gọi là "chấm lượng tử" có thể làm suy giảm hoạt động của các siêu khuẩn như E.coli và Salmonella. Nó rất có tiềm năng để trở thành một loại vũ khí hiệu quả hỗ trợ cho thuốc kháng sinh.
Các liệu pháp điều trị bằng kháng sinh ngày nay đang ngày càng bị đe dọa bởi các loại siêu vi khuẩn kháng thuốc. Sự phát triển mạnh mẽ của E.coli, Salmonella… khiến các loại thuốc trước đây từng rất hữu hiệu đều trở nên vô dụng.
Theo các nghiên cứu của Trường Đại học Colorado (CU) ở Boulder thì các chấm lượng tử này có thể làm tăng hiệu quả của kháng sinh đối với các loại siêu vi khuẩn.
Hạt lượng tử là vũ khí mới. (Ảnh: Shutterstock).
Một số mầm bệnh phát triển hệ thống phòng vệ của chúng nhanh hơn tốc độ ra đời của các loại thuốc kháng sinh. Vào năm 2013, Mỹ đã tốn khoảng 20 tỉ đô la cho việc sản xuất thuốc tiêu diệt siêu vi khuẩn (tính vào chi phí chăm sóc sức khoẻ trực tiếp), chưa kể đến việc tốn 35 tỉ đô cho những nghiên cứu chống vi khuẩn không đem lại hiệu quả.
Mới đây, các nhà nghiên cứu của CU Boulder đã tái cấu trúc lại các loại thuốc kháng sinh hiện có trên thị trường, theo đó những chấm lượng tử nano được lựa chọn sẽ có khả năng cô lập các siêu vi khuẩn.
Các chấm lượng tử không tấn công vi khuẩn truyền nhiễm theo cách thông thường mà phát ra một loại “siêu oxy” có khả năng làm gián đoạn quá trình trao đổi chất và tế bào của vi khuẩn.
Ông Prashant Nagpal - trợ lý giáo sư tại Cơ quan Hóa chất và Kỹ thuật Sinh học của CU Boulder (CHBE), đồng thời là tác giả chính của cuộc nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đang phát triển một “vũ khí” lợi hại để vô hiệu hóa vi khuẩn. Các phản ứng tự nhiên của vi khuẩn chống lại các chấm lượng tử chỉ làm nó bị tổn thương hơn".
Nghiên cứu cho thấy các chấm lượng tử đã thành công trong việc làm giảm sức chống cự của siêu vi khuẩn mà không gây ra những tác dụng phụ bất lợi. Nhà nghiên cứu Anushree Chatterjee - trợ lý giáo sư tại CHBE và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi cho rằng đây là một chiến lược hiệu quả để tạo ra những loại kháng sinh ưu việt, có thể chống lại sức mạnh tự nhiên của vi khuẩn gây nhiễm trùng".
Những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng bởi vì nhiều loại khuẩn siêu kháng thuốc đang tràn lan trong các bệnh viện và chỉ cần có một sự đột biến là một đại dịch có quy mô lớn chưa từng thấy sẽ bùng nổ.