Phát hiện di tích người nguyên thủy

Những người dân ở xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thường vào hang Thẩm Vài thuộc thôn Bản Câm lấy phân dơi làm phân bón, thuốc súng... Trong quá trình đào bới, họ đã làm xuất lộ những di tích động vật và di vật của người nguyên thuỷ.

Mới đây, đầu tháng 5/2008, các nhà khảo cổ ở Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành khảo sát chuyên ngành.

Thẩm Vài là hang lớn, nằm trên sườn dãy núi đá vôi thôn Bản Câm, cao khoảng 40m so với chân núi.

Tại khu vực gần cửa hang, các nhà khảo cổ đã tiến hành đào thám sát một hố rộng 3m2. Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, dấu tích của người nguyên thuỷ tìm thấy chủ yếu ở khu vực giữa hang. Tầng văn hóa dày khoảng gần 2m, nằm sâu dưới bề mặt hang hơn 10cm.

Tầng văn hóa có độ kết cấu khá mềm, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu nâu sẫm, xen lẫn vỏ nhuyễn thể sông, suối và di vật khảo cổ. Qua mặt cắt địa tầng cho thấy di tích có 2 lớp văn hóa phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách.

Lớp văn hóa sớm, nằm ở phía dưới dày hơn 1m, chứa nhiều công cụ lao động ghè đẽo như công cụ chặt đập, công cụ nạo cắt, cuốc tay có đầu nhọn cùng một số đá nguyên liệu. Tất cả đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ.

Loại hình công cụ ở lớp này mang đặc trưng công cụ văn hóa Hòa Bình như công cụ hình đĩa, công cụ rìu ngắn, công cụ hình bầu dục. Cũng đã tìm thấy một số chiếc rìu mài hạn chế phần lưỡi.

Rìu mài niên đại khoảng 4000 năm


Trong lớp văn hóa muộn dày gần 1m (nằm bên trên), thuộc lớp văn hóa hậu kỳ đá mới ngoài những công cụ đá cuội ghè đẽo đã tìm thấy rìu có vai, mài nhẵn toàn thân, đặc biệt là đã tìm thấy đồ gốm thô dày nguyên thuỷ được nặn bằng tay, độ nung thấp, bên ngoài trang trí vặn thừng. Cũng là lần đầu tiên người nguyên thuỷ ở Thẩm Vài đã biết dùng đồ gốm.

Trong các lớp văn hóa tìm thấy khối lượng lớn xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể sông suối như ốc, trai, trùng trục, vỏ mai rùa lớn. Đó chính là tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại.

Đáng chú ý là đã tìm thấy dấu vết cháy và vết chặt trên những đoạn xương ống, chứng tỏ người nguyên thuỷ đã phân chia con thú săn được thành nhiều phần và nướng chúng trên lửa.

Những dấu tích còn lại cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người nguyên thuỷ nơi đây. Sự có mặt của nhiều đá cuội nguyên liệu, phác vật đá và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.

Thông qua phát hiện những di vật (những viên thổ hoàng) trong tầng văn hóa là vật dụng biểu tượng của cái đẹp, thổ hoàng dùng để trang trí làm đẹp cho con người. Như vậy, người Thẩm Vài đã biết làm đẹp cho mình và làm đẹp cho cộng đồng bằng cách trang trí trên cơ thể của mình.

Dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, các nhà khảo cổ cho rằng, Thẩm Vài là di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân nguyên thuỷ. Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa Hòa Bình muộn, có niên đại khoảng 8.000 năm cách ngày nay, lớp cư trú muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới có niên đại khoảng 4.000 năm cách nay.
Cập nhật: 23/09/2024 Quan Văn Dũng (Theo Tiền Phong Online)
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video