Phát hiện hang động núi lửa đẹp nhất Đông Nam Á

Sau bảy năm nghiên cứu, các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất & Khoáng sản và Hội hang động Nhật Bản đã khám phá ra một hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á ở Tây Nguyên - Di sản thiên nhiên độc đáo của quá trình phun trào núi lửa cách đây hàng triệu năm. Phát hiện chấn động này mở ra tiềm năng du lịch to lớn cho khu vực Tây Nguyên.

Lần đầu tiên phát hiện

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản chia sẻ, Việt Nam có hệ thống hang động rất phong phú trải dài từ khu vực Tây Bắc đến Quảng Bình, tạo nên nhiều kỳ quan thiên nhiên được thế giới biết đến như Phong Nha - Kẻ Bàng, vịnh Hạ Long, Tam Cốc - Bích Động.

Tuy nhiên, đó là hang động đá vôi. Đây là lần đầu tiên chúng ta phát hiện được hệ thống hang động núi lửa gồm các hang động và miệng núi lửa hình thành từ quá trình phun trào dung nham cách đây hàng triệu năm. “So với hang động đá vôi, trên thế giới hang động núi lửa hiếm gặp hơn nhiều và có cấu trúc dòng chảy khác biệt”, ông Thuấn nói.

Hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên được phát hiện ở tỉnh Đắk Nông, chủ yếu ở huyện Krông Nô. Dài khoảng 25km từ miệng núi lửa tại buôn Choar dọc theo sông Sêrêpốc đến khu vực thác Dray Sáp với hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau. Ông Thuấn cho biết, hiện đã đo chi tiết được khoảng ba trong số các hang động trên.

Hang động lớn nhất có chiều dài lên đến 25.000m, bên trong rộng hàng nghìn mét, có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng của hang động núi lửa với dòng dung nham phun ngược, tạo nên một cảnh quan kỳ vĩ. Hang động nằm trong rừng sâu, chưa ghi nhận dấu vết của con người nhưng có nhiều loài vật sinh sống.

Bên cạnh các hang động còn phát hiện nhiều miệng núi lửa. Theo đánh giá của các nhà khoa học Nhật Bản, đây là hang động núi lửa dài và đẹp nhất của Đông Nam Á, rất có giá trị về mặt khoa học, du lịch.


Cán bộ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đắk Nông khám phá một hang động núi lửa trong quần thể hang động núi lửa ở Đắk Nông

Việc khảo sát khu vực này bắt đầu từ năm 2007 bởi các nhà khoa học của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Một số thông tin ban đầu được đăng tải trên các tạp chí nước ngoài. Một số nhà khoa học thuộc Hội Hang động Nhật Bản biết đến và bỏ tiền túi để tổ chức những chuyến khảo sát ở đây. Quá trình nghiên cứu, khảo sát trong nhiều năm cho thấy, đây là một hệ thống hang động rộng lớn và trải dài với nhiều hang động, miệng núi lửa.

Quy hoạch thành công viên địa chất toàn cầu

Hang động núi lửa Manjanggul Lava trên đảo Jeju của Hàn Quốc là một biểu tượng du lịch ở đây và thu hút lượng lớn khách du lịch đến hòn đảo nổi tiếng này. “Tôi đã từng đến hang động Manjanggul Lava. So với hang động này, hang động được phát hiện ở Tây Nguyên không thua kém gì”, ông Thuấn nói.

Hiện nay các nhà khoa học mới đo chi tiết được ba hang động. Dự kiến còn hàng chục hang động khác chưa được nghiên cứu kỹ. Nếu có kinh phí mất thêm vài năm nữa để hoàn thiện việc nghiên cứu hệ thống hang động núi lửa này.

Cũng theo ông Thuấn: “Hoạt động phun trào núi lửa ở Tây Nguyên xảy ra ở một vùng rộng lớn. Mình phát hiện ngẫu nhiên ở khu vực này nhưng không ngoại trừ các khu vực khác cũng có hang động. Nếu mình có chủ trương khảo sát toàn phần để thành lập công viên địa chất toàn cầu thì còn nhiều điều thú vị”.

Ngày 26/12 tới, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ công bố việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa này. Trên cơ sở đó, sẽ huy động thêm các nhà đầu tư, tài trợ cho việc nghiên cứu tiếp tục. Sau khi hoạt động nghiên cứu kết thúc, sẽ tiến hành công bố với thế giới, xúc tiến thành lập công viên địa chất toàn cầu.

“Hệ thống hang động núi lửa trên thế giới không nhiều và rất có giá trị về du lịch”. "Với những gì đã khám phá, Tây Nguyên có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học, khách du lịch, những người muốn khám phá di sản của hoạt động phun trào núi lửa”, ông Thuấn cho hay.

Theo ông Lê Khắc Ghi, Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Đắk Nông, hệ thống hang động núi lửa dọc sông Sêrêpốc nằm trong khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Dray Sáp, trong hang không đọng nước, thuận tiện cho việc đi lại.

Cùng với hệ thống thác hiện có, hệ thống hang mới được phát hiện có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, du lịch mạo hiểm, khám phá. Hiện tại, UBND tỉnh Đắk Nông đang phối hợp với Bảo tàng Địa chất Việt Nam xây dựng đề cương quy hoạch hệ thống hang động dọc sông Sêrêpốc thành công viên địa chất toàn cầu.

Công bố rộng rãi

Ngày mai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức họp báo công bố việc phát hiện ra hệ thống hang động núi lửa ở Tây Nguyên. Hai nhà khoa học Nhật Bản sẽ trực tiếp giới thiệu về hệ thống hang động. “Đây thực sự là phát hiện rất có giá trị”, ông Thuấn nói.

Theo Tiền Phong
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video