Loài quái vật tiền sử sống ở ven biển châu Phi cách đây 66 triệu năm sử dụng hàm răng lợi hại để cắn đứt đôi con mồi.
Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch của một loài thương long mới, thằn lằn biển cổ đại sống cùng thời với khủng long. Loài vật này có hàm răng sắc như cá mập, giúp nó sở hữu nhát cắn chí mạng. Phát hiện mới giúp tăng thêm độ đa dạng của bò sát biển ở cuối kỷ Phấn Trắng, chỉ ra chúng phân hóa cao độ trước sự kiện thiên thạch xóa sổ khủng long cách đây 66 triệu năm.
Phục dựng Xenodens calminechari săn mồi. (Ảnh: Đại học Bath).
Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Bath tìm thấy hóa thạch của Xenodens calminechari ở lớp trầm tích phosphate tại Morocco. Theo tiến sĩ Nick Longrich, giảng viên lâu năm tại Trung tâm Tiến hóa Milner của Đại học Bath, trưởng nhóm nghiên cứu, cách đây 66 triệu năm, vùng ven biển châu Phi là vùng biển nguy hiểm nhất thế giới. Độ đa dạng của động vật săn mồi tại đó vượt xa mọi nơi khác trên hành tinh.
Vào cuối kỷ Phấn Trắng, Morocco ngập bên dưới vùng biển nhiệt đới. Các loài thương long sống ở khu vực này rất đa dạng. Một số động vật ăn thịt khổng lồ dưới biển sâu có hình dáng giống cá nhà táng thời nay, nhiều loài khác lại sở hữu hàm răng đồ sộ và dài tới 10m. Đó là những loài săn mồi hàng đầu. Chúng tồn tại song song cùng với xà đầu long cổ dài, rùa biển khổng lồ và cá răng kiếm. Dù loài thằn lằn mới phát hiện chỉ nhỏ ngang cá heo, hàm răng sắc như dao cho phép chúng cắn đứt đôi con mồi và săn động vật lớn hơn cả trọng lượng cơ thể.
Thương long tồn tại cùng với khủng long trước khi thiên thạch rơi xuống và xóa sổ 90% động vật trên Trái đất. Tuy nhiên, nghiên cứu mới chỉ ra hệ sinh thái không bị suy thoái trước sự kiện đó.