Phát hiện hợp chất gây ung thư tiềm ẩn bốc hơi từ ghế ngồi ô tô, đặc biệt là khi đậu xe dưới trời nắng

Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Khoa học & Công nghệ Môi trường, không khí bên trong 99% các phương tiện ô tô cá nhân đang bị phơi nhiễm với một hợp chất gây ung thư tiềm ẩn gọi là TCIPP.

Hợp chất này có nguồn gốc từ chất chống cháy, vốn được các nhà sản xuất xe hơi thêm vào bọt đệm ghế, pha vào các chi tiết nhựa, đồ điện tử có trong nội thất xe hơi, nhằm đáp ứng tiêu chuẩn chống cháy khi xuất xưởng.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng tiêu chuẩn chống cháy này hiện đang lỗi thời. Bởi khi các nhà sản xuất ô tô thêm chất chống cháy vào nội thất xe hơi, chúng không những không chứng minh được lợi ích về mặt ngăn ngừa cháy nổ, ngược lại, còn tạo ra hơi độc nhất là khi các chất bay hơi dưới điều kiện nắng nóng.


Hợp chất này có nguồn gốc từ chất chống cháy. (Ảnh minh họa).

"Nghiên cứu của chúng tôi phát hiện ra vật liệu để làm nội thất giải phóng các hóa chất độc hại vào không khí trong cabin ô tô", tiến sĩ Rebecca Hoehn, tác giả chính của nghiên cứu đồng thời là một nhà độc chất học và sức khỏe môi trường đến từ Đại học Duke cho biết.

"Tính trung bình, một người lái xe dành khoảng 1 giờ trên ô tô mỗi ngày thì với nồng độ hợp chất mức này đã gây ra vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người lái xe có quãng đường di chuyển dài hơn, cũng như với hành khách là trẻ em, đối tượng hít thở nhiều không khí hơn người lớn".

Hợp chất TCIPP được phát hiện như thế nào?

Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã tuyển dụng 101 người sở hữu ô tô ở Hoa Kỳ, những người đã mua xe trong khoảng thời gian từ năm 2015-2022. Quá trình tuyển dụng là ngẫu nhiên, vì vậy, đã có 26 lượt chủ sỡ hữu xe điện đăng ký tham gia, 49 người sở hữu xe chạy xăng và 26 người đang chạy xe hybrid.

Vì các chủ sở hữu xe sinh sống ở nhiều tiểu bang khác nhau, các nhà khoa học đã gửi một dụng cụ lấy mẫu cho họ qua đường bưu điện. Bộ dụng cụ bao gồm có găng tay, túi zip giấy nhôm và một vòng silicon (một dụng cụ lấy mẫu tiêu chuẩn trong khoa học, có khả năng hấp thụ các chất khí trong môi trường xung quanh):


Ảnh minh họa trong nghiên cứu.

Các chủ xe được yêu cầu đọc hướng dẫn gửi kèm bộ dụng cụ, đeo găng tay, sau đó lấy vòng silicon ra ngoài rồi treo nó ở gương chiếu hậu bên trong xe 7 ngày liên tục. Hết thời gian 7 ngày, họ lại đeo găng tay, tháo vòng silicon rồi bọc nó lại bằng giấy nhôm. Sau đó, cho tất cả mẫu phẩm vào túi zip để gửi lại phòng thí nghiệm tại Đại học Duke.

Ngoài mẫu vòng silicon, 52 chủ xe còn được yêu cầu thu thập một miếng mút đệm ghế nhỏ khoảng 1 cm, từ ghế lái của họ. Các nhà khoa học cũng đã hướng dẫn họ thò tay vào vị trí có thể lấy được mẫu mút đơn giản nhất, phía bên dưới gầm ghế xe.

Miếng mút này sau đó cũng được gói lại vào giấy nhôm sạch, cho vào túi zip sau đó gửi lại phòng thí nghiệm.


Ảnh minh họa.

Tại phòng thí nghiệm của mình, tiến sĩ Hoehn và các đồng nghiệp sẽ sử dụng phương pháp chuyên môn để chiết tách cách hợp chất mà họ tìm thấy trong miếng silicon thu thập mẫu và mút đệm ghế. Sau đó, họ dùng máy sắc ký để tìm kiếm các chất độc hại tiềm ẩn, cùng với nồng độ của chúng.

Kết quả cho thấy 99% trong số 101 chiếc xe được lấy mẫu có chứa tris (1-chloro-isopropyl) phosphate (TCIPP), một chất chống cháy đang được Cơ quan Độc chất Quốc gia Hoa Kỳ điều tra như một chất gây ung thư tiềm năng.

Hầu hết các ô tô đều có thêm chất chống cháy este organophosphate, bao gồm tris (1,3-dichloro-2-propyl) phosphate (TDCIPP) và tris (2-chloroethyl) phosphate (TCEP), hai chất gây ung thư theo Dự luật 65 của tiểu bang California. Những chất này cùng với 17 chất chất chống cháy khác được phát hiện trong không khí cabin ô tô có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh và sinh sản của con người.


Khi thời tiết nóng hơn vào mùa hè, nồng độ các chất chống cháy mà nhóm nghiên cứu phát hiện được cao hơn từ 1,6 đến 5,3 lần.

Có một mối tương quan tỷ lệ thuận, nghĩa là xe nào có nhiều TCIPP trong mút đệm ghế thì cũng có TCIPP trong không khí cabin cao hơn. Điều này xác nhận mút đệm ghế là nguồn cung cấp chất chống cháy này khi nó thoát ra cabin xe, đặc biệt là vào mùa hè khi ghế xe ô tô có thể nóng lên tới 65 độ C.

Khoảng một nửa số xe đã được thử nghiệm trong cả mùa hè và mùa đông. Khi thời tiết nóng hơn vào mùa hè, nồng độ các chất chống cháy mà nhóm nghiên cứu phát hiện được cao hơn từ 1,6 đến 5,3 lần.

Đặc biệt, một so sánh giữa xe xăng, xe điện và xe hybrid cho thấy trong khi xe điện có nồng độ TCIPP thấp hơn hơn 3-6 lần so với xe xăng. Bất ngờ nhất, xe hybrid lại là loại xe có nồng độ TCIPP cao nhất, gấp từ 8-14 lần so với xe điện.

Sự nguy hiểm của chất chống cháy bay hơi

Trong khi các mẫu xe tham gia vào nghiên cứu được sản xuất ở nhiều quốc gia khác nhau, từ Mỹ, Nhật, Đức cho tới Hàn Quốc, bởi chúng được bán ra ở Mỹ, những chiếc xe này đều phải đáp ứng Tiêu chuẩn An toàn Phương tiện Cơ giới Liên bang (FMVSS) 302 của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) cấp phép.

Trong tiêu chuẩn FMVSS 302 có một hạng mục gọi là khả năng bắt lửa, nghĩa là bài thử nghiệm tiếp xúc với ngọn lửa trong không gian mở. Để vượt qua mục này, các nhà sản xuất xe hơi thường sẽ pha chất chống cháy vào mút ghế, các chi tiết nhựa và đồ điện tử trong ô tô để giảm thiểu khả năng bắt lửa của chúng.

Thật không may, các chất chống cháy này cũng có mặt trái, có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng xe hơi. Một nghiên cứu năm 2011 sử dụng cá ngựa vằn làm mô hình cho thấy tiếp xúc với chất chống cháy có thể làm giảm khả năng sinh sản và ngăn cản phôi cá phát triển bình thường.

Trong khi đó, một số thử nghiệm với TCIPP trên mô hình chuột cho thấy đây là một hợp chất có thể gây ung thư.


Ảnh minh họa.

Patrick Morrison, người giám sát Sức khỏe và An toàn cho 350.000 lính cứu hỏa Hoa Kỳ và Canada tại Hiệp hội Lính cứu hỏa Quốc tế, cho biết:

"Lính cứu hỏa lo ngại rằng chất chống cháy góp phần khiến tỷ lệ ung thư của họ tăng cao. Việc đổ đầy các hóa chất độc hại này vào sản phẩm không có tác dụng ngăn chặn hỏa hoạn trong hầu hết các mục đích sử dụng mà thay vào đó khiến đám cháy bốc khói và độc hại hơn đối với nạn nhân, đặc biệt là đối với những người tiếp cận đầu tiên".

Dựa trên phát hiện từ nghiên cứu mới, Morrison kêu gọi Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường bộ Quốc gia Hoa Kỳ nên cập nhật lại tiêu chuẩn chống cháy cho xe hơi của họ, một tiêu chuẩn được đặt ra từ năm 1970, và hiện đã lỗi thời.

Tiểu bang California trước đây cũng đã cập nhật tiêu chuẩn chống cháy của mình cho một số sản phẩm như đồ nội thất và đồ chơi trẻ em. Các nghiên cứu dịch tễ học đã chỉ ra rằng trung bình một đứa trẻ ở Mỹ mất từ 3 đến 5 điểm IQ do tiếp xúc với một chất chống cháy được sử dụng trong ô tô và đồ nội thất.

Hơn nữa, một bài báo nghiên cứu gần đây ước tính những người có hàm lượng chất chống cháy này trong máu cao nhất có nguy cơ tử vong vì ung thư cao gấp 4 lần so với những người có hàm lượng thấp nhất.

Bây giờ, câu hỏi đặt ra là: Liệu bạn có thể làm gì nếu như trong xe ô tô của bạn hiện vẫn có những chất chống cháy này?


Đậu xe ngoài trời vào những ngày hè nóng bức có thể làm tăng nồng độ TCIPP. (Ảnh minh họa).

Lydia Jahl, nhà khoa học cấp cao tại Viện Chính sách Khoa học Xanh, một trong những đồng tác giả nghiên cứu cho biết: "Bạn có thể giảm tiếp xúc với những chất chống cháy trong ô tô bằng cách mở cửa sổ và đỗ xe trong bóng râm".

Đậu xe ngoài trời vào những ngày hè nóng bức có thể làm tăng nồng độ chất chống cháy bay hơi ra từ nội thất xe và ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Nếu bắt buộc phải đậu xe ngoài trời nắng, bạn nên sử dụng tính năng đề nổ từ xa của xe, bật điều hòa và lấy gió ngoài trời để làm loãng không khí bên trong cabin xe.

"Nhưng điều thực sự cần thiết là ngay từ đầu hãy giảm lượng chất chống cháy được thêm vào ô tô", Lydia nói. "Việc chúng ta lái xe đi làm hàng ngày không nên làm tăng nguy cơ ung thư và trẻ em không nên hít phải các hóa chất có thể gây hại cho não bộ của chúng trên đường đi đến trường".

Cập nhật: 16/05/2024 PNVN
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video