Truyền thông Mỹ ngày 19/11 đưa tin, các nhà thiên văn đã phát hiện một hành tinh có khối lượng lớn gấp 13 lần sao Mộc - hành tinh lớn nhất và nặng nhất của Hệ Mặt Trời.
Quan sát qua kính thiên văn "Subaru" của Nhật Bản đặt trên đỉnh núi Mauna-Kea trên quần đảo Hawaii (Mỹ), các nhà khoa học của Viện Vật lý thiên văn Max Planck ở Munich (Đức) đã chụp được ảnh hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao Kappa Andromeda. Kappa Andromeda là một ngôi sao cách Trái Đất 170 năm ánh sáng, có trọng lượng lớn gấp 2,5 lần Mặt Trời.
Ngôi sao này được coi là tương đối "non trẻ" - chỉ mới 30 triệu năm tuổi, trong khi tuổi của Mặt Trời là 5 tỷ năm.
Theo các nhà khoa học, việc phát hiện ra hành tinh này làm sáng tỏ quá trình hình thành các hành tinh mới. Trước đây, các nhà khoa học đã nghi ngờ rằng các hành tinh có thể được hình thành từ đĩa tiền hành tinh của các ngôi sao lớn như Kappa Andromeda.
Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 800 hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời. Tuy nhiên, họ chỉ chụp được ảnh một số ít các hành tinh đó.
Kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế "Astrophysical Journal" số ra tới đây.