Một nhóm chuyên gia nghiên cứu người Cuba và Canađa vừa phát hiện một hòn đảo bị chìm dưới đáy đại dương do tác động của núi lửa cách đây từ 10.000 đến 12.000 năm.
(Ảnh: TNVN) |
Theo các chuyên gia hải dương học, hòn đảo nằm dưới đáy biển này có diện tích khoảng 20 kilômét vuông, với nhiều công trình xây dựng bằng đá có kết cấu hoàn chỉnh và có trật tự giống như các đô thị lớn thời bấy giờ.
Giới nghiên cứu nhận định rằng khi còn nổi trên mặt nước, hòn đảo này có khả năng thông thương với một số thành phố thuộc nhóm đảo Bahamát. Qua ảnh chụp từ vệ tinh, người ta có thể nhìn thấy vết tích của con đường thông thương đó nằm dưới đáy biển.
Bên cạnh các công trình xây dựng, các nhà khoa học cũng khám phá nhiều dấu tích giống như đường phố, đại lộ, vịnh và bến cảng. Những cấu trúc tương tự cũng được tìm thấy tại một số khu vực khác thuộc biển Caribê, gần quần đảo Bahamát.
Một số nhà khoa học cho rằng cách đây hàng chục nghìn năm, tại khu vực này có thể đã xảy ra một đại thảm họa hủy diệt nền văn minh lúc bấy giờ.