Các nhà khảo cổ phát hiện bảy hộp đựng đồ làm đẹp của phụ nữ quyền quý thời Chu.
Theo Chinanews ngày 12/3, Viện Nghiên cứu Khảo cổ tỉnh Sơn Tây phát hiện chín ngôi mộ với hơn 500 cổ vật trong quá trình khai quật, tu sửa di tích lịch sử ở huyện Viên Khúc. Các ngôi mộ được cho của gia tộc quyền quý thời Chu (triều đại phong kiến sau nhà Thương, trước nhà Tần). Trong chín ngôi mộ có ba mộ dành cho phụ nữ, ở đây chứa bảy hộp đồng trạm trổ công phu.
Các cổ vật được khai quật ở tỉnh Sơn Tây. (Ảnh: Guancha).
Sau nhiều tháng nghiên cứu, Viện nghiên cứu khảo cổ tỉnh Sơn Tây cùng các giáo sư khoa Khảo cổ và Nhân loại học của Đại học Khoa học Trung Quốc công bố kết quả phân tích tàn dư từ bảy hộp đồng, trong đó chứa các thành phần như: mỡ động vật, tinh dầu tuyết tùng (Cedrene), Curcumin (chất trong củ nghệ), chu sa, khoáng vật cacbonat...
Các nhà khảo cổ cho rằng người cổ đại dùng mỡ động vật thêm tinh dầu thực vật, tạo màu bằng chu sa để làm mỹ phẩm chăm sóc da, đồ trang điểm. Đây là một trong cổ vật mỹ phẩm sớm nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Trước đây, nhiều nước trên thế giới phát hiện cổ vật làm đẹp từ mỡ trung tính. Các nhà khảo cổ Anh từng công bố đồ dùng làm đẹp từ thời La Mã cổ đại với các thành phần từ mỡ động vật, tinh bột...
Tranh "Tây Thi" của họa sĩ Ôn Tố Khiết. (Ảnh: 163).
Tờ Guancha cho rằng phát hiện về mỹ phẩm thời Chu chứng thực ý văn về làm đẹp của phụ nữ cổ đại trong tác phẩm Hàn Phi Tử của Hàn Phi - học giả sinh ra trong gia đình quý tộc thời Chiến Quốc. Ông viết: "Có ca tụng, ngưỡng mộ thế nào cũng không thể làm bản thân đẹp như Mao Tường, Tây Thi. Chi bằng biết dùng mỡ, phấn... để làm bản thân đẹp hơn".
Phát hiện mỹ phẩm thời Chu thu hút chú ý của nhiều người dùng Weibo, tài khoản Achen nhận hơn 6.000 like khi bình luận: "Xem ra trí tuệ của người cách đây hơn 2.000 năm cao hơn so với tưởng tượng của chúng ta". Tài khoản Xiaoxiao viết: "Phụ nữ ưa điệu là bẩm sinh, di truyền đời này qua đời khác". Một số người đùa: "Hay là có ai thời hiện đại xuyên không mang mỹ phẩm về thời đó".