Các nhà khảo cổ học ở Jerusalem đã tìm thấy vật mà họ cho là nhà vệ sinh cổ đại. Nhà vệ sinh này được ước tính khoảng 2.700 năm tuổi.
South China Morning Post đưa tin Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel công bố việc phát hiện một nhà vệ sinh cổ đại khoảng 2.700 năm tuổi. Nhà vệ sinh này nằm trong một khu vực từng là dinh thự hoàng gia tráng lệ có từ thế kỷ thứ 7 TCN.
Nhà vệ sinh này nằm trong một khu vực từng là dinh thự hoàng gia tráng lệ.
Nhà vệ sinh này có một khối đá vôi hình vuông đục lỗ ở giữa, tương tự một chiếc bồn cầu. Bên dưới là một bể tự hoại được đẽo từ đá.
Bạn có thể hỏi, tại sao có một trụ đá có cái lỗ bên trên lại là bồn cầu? Bởi vì các nhà khảo cổ còn phát hiện một bể phốt được đào từ nền đá vôi dưới chiếc bồn.
Tuy nhiên, do không đủ kinh phí, công việc khai quật không thể hoàn thành ngay vào thời điểm đó nên chỉ một phần đã được khai quật. Mặc dù bồn cầu và bể phốt không được khai quật hoàn toàn nhưng Billig ước tính diện tích của nhà vệ sinh vào khoảng 1,5 x 2 mét, gần giống với kích cỡ nhà vệ sinh hiện đại.
Nhóm nghiên cứu của Billig cũng tìm thấy bệ ngồi của bồn cầu tại chỗ, nhưng bệ ngồi không phải là nhựa hoặc acrylic thường được sử dụng trong thời hiện đại, mà là vật liệu giống như bồn cầu: đá vôi. “Chỉ là chạm khắc cầu kỳ thế này mà phải ngồi lên đi vệ sinh thì không quá hợp lý”, Yaakov Billig nói.
Như đã đề cập trước đó, chiếc bồn cầu được tìm thấy trong cung điện, một "tòa kiến trúc hoàng gia" có từ thời kỳ đồ sắt. Các trụ cột của cung điện được khắc các biểu tượng của các vị vua Do Thái.
Một số trụ cột tinh xảo được chạm khắc ý nghĩa biểu tượng của chế độ quân chủ Do Thái.
Theo Giám đốc cuộc khai quật Yaakov Billig, đây là một phát hiện rất hiếm và cổ xưa. “Chỉ những người giàu có thời đó mới đủ tiền xây nhà vệ sinh”, ông Billig cho biết.
“Thật thú vị khi thấy một thứ phổ biến với chúng ta ngày nay như nhà vệ sinh lại là vật dụng xa xỉ vào thời Judea”, Giám đốc Cơ quan Quản lý Cổ vật Israel, ông Eli Eskosido, nói thêm.
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy bình đất sét và xương động vật từ thời Đền Solomon (đền Do Thái đầu tiên) trong hố phân. Theo một phát ngôn viên, các nhà khoa học vẫn đang phân tích thứ thu được từ trong hố.
Qua đó, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ có thêm thông tin về chế độ ăn uống của người dân lúc đó cũng như những căn bệnh từng ảnh hưởng đến thế giới cổ đại.
Ngôi đền đầu tiên của người Do Thái, được Vua Solomon xây dựng, đã bị Vua Nebuchadnezzar của Babylon phá hủy vào năm 586 TCN. Ngôi đền đã được xây dựng lại và tu sửa (đền Do Thái thứ hai) nhưng tiếp tục bị người La Mã phá hủy vào năm 70.
Ngày nay, ngôi đền thứ hai chỉ còn lại những bức tường. Các bức tường này thường được gọi là Bức tường Than khóc và là thánh địa quan trọng nhất trong đạo Do Thái.