Giới khoa học vừa tìm thấy sự sống bên dưới lớp băng khắc nghiệt ở Nam Cực, nơi mà các nghiên cứu trước đây khẳng định không gì có thể tồn tại.
>>> Phát hiện sự sống kỳ lạ dưới băng Nam Cực
Phát hiện trên được Scott Rogers, giáo sư khoa sinh học, trường Đại học Bowling Green State, Ohio, Mỹ và các đồng nghiệp đưa ra sau khi phân tích kỹ những mẫu băng lấy từ hồ Vostok. Mẫu băng lấy từ độ sâu hơn 3km từ hồ ngầm Vostok - hồ ngầm cổ ở sâu dưới lớp băng tại Nam Cực.
Giàn khoan lấy mẫu nghiên cứu của các nhà khoa học và vị trí hồ băng ngầm Vostok ở Nam Cực. (Ảnh: Wikimedia Commons)
Giới khoa học kết hợp phân tích DNA và RNA (RNA là một trong hai loại axit nucleic, là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử) từ vật chất thu thập được trong mẫu băng. Họ xác định được hàng ngàn vi khuẩn, trong đó một số thường xuất hiện ở hệ tiêu hóa của cá và nhiều loài sinh vật biển khác, gồm cả loài sống ở nước ngọt và nước mặn.
Nhóm nghiên cứu còn thấy nấm và hai loài vi khuẩn cổ đơn bào thường sống trong môi trường khắc nghiệt khi phân tích mẫu băng.
Theo giáo sư Rogers, phát hiện trên chứng tỏ hồ Vostok từng thông với đại dương và được nối với các sông băng lớn. "Phát hiện cho thấy sự sống thật kỳ lạ, nó kiên cường tại nơi mà vài chục năm trước chúng tôi từng nghĩ không gì có thể tồn tại được”, giáo sư Rogers nói.
Hồ Vostok là hồ nước sâu thứ 4 thế giới, đây cũng là hồ nước lớn nhất trong số 400 hồ băng ngầm ở Nam Cực. Hồ nước được tạo thành khoảng 60 triệu năm về trước khi các mảng lục địa dịch chuyển, và nó bị cô lập cách đây từ 15 đến 25 triệu năm. Vostok được so sánh với một hành tinh ngoài trái đất vì sự khắc nghiệt của độ sâu, tối tăm, nhiệt độ thấp và không thể tồn tại sự sống.
Nghiên cứu trên giúp các nhà khoa học có cái nhìn mới về sự sống ở Nam Cực, và sẽ có nhiều cuộc khám phá mới về lục địa này trong tương lai.