Phi thuyền NASA tiến sát thiên thạch có thể va chạm với Trái đất

Sau hành trình 2 tỷ km kéo dài hai năm, tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA đã tiếp cận thành công và trở thành “vị khách” đầu tiên thăm thiên thạch Bennu trong hàng tỷ năm qua.

Ngày 3/12, tàu thăm dò Osiris-Rex chỉ còn cách thiên thạch Bennu 19km và thậm chí có thể tiến gần hơn nữa trong những ngày tới, trước khi đi vào quỹ đạo bay xung quanh thiên thạch vào ngày 31/12. Từ trước đến nay, trên thế giới chưa từng có phi thuyền nào bay quanh một thiên thể nhỏ như vậy.

Thiên thạch Bennu ước tính có đường kính 500m. Các nhà khoa học sẽ công bố những mô tả chính xác hơn về thiên thể này tại hội thảo khoa học ngày 10/12 ở Washington.

Theo AP, đây là nỗ lực đầu tiên của Mỹ để thu thập mẫu vật từ thiên thạch và mang trở về Trái đất, một thành tựu mà tới nay mới chỉ có Nhật Bản đạt được.


Hình ảnh thiên thạch Bennu được NASA chụp lại vào ngày 16/11. (Ảnh: NASA).

Nhóm các nhà khoa học kiểm soát hành trình của Osiris-Rex đã hoan hô và đập tay với nhau ngay khi xác nhận phi thuyền tiếp cận được Bennu. Tin đáng mừng này tiếp nối sự kiện một phi thuyền khác của NASA hạ cánh thành công xuống sao Hỏa vào tuần trước.

“Nhẹ nhõm, tự hào và bồn chồn mong muốn bắt đầu khám phá!”, Dante Lauretta, nhà khoa học dẫn đầu nghiên cứu thuộc Đại học Arizona đăng trên Twitter. “Tới Bennu và quay trở về!”.

Với khoảng cách 122 triệu km, 7 phút là thời gian cần thiết để thông tin từ phi thuyền truyền về tới đài kiểm soát tại Lockheed Martin ở Colorado, Mỹ. Đây cũng chính là nơi Osiris-Rex được chế tạo.

Phi thuyền trị giá 800 triệu USD được phóng từ Mũi Canaveral, Florida, vào năm 2016. Ngày 3/12, số liệu trên hành trình kế là 2 tỷ km. To bằng một chiếc SUV, phi thuyền sẽ dò theo thiên thạch Bennu trong một năm, trước khi thu thập mẫu bụi và quay về Trái Đất vào 2023.

Các nhà khoa học đang rất háo hức để nghiên cứu mẫu vật từ thiên thạch chứa nhiều carbon như Bennu. Theo họ, thiên thạch này có thể nắm giữ bằng chứng có niên đại tới 4,5 tỷ năm, từ khi Hệ Mặt Trời bắt đầu hình thành. Nói cách khác, Bennu giống như nang thời gian lưu trữ lịch sử thiên văn.


Hình minh họa phi thuyền Osiris-Rex. (Ảnh: NASA).

Sứ mệnh của Osiris-Rex là thu thập ít nhất 60g bụi đá. Thay vì hạ cánh trực tiếp, phi thuyền sẽ sử dụng tay máy dài 3m để tiếp cận bề mặt thiên thạch vào năm 2020. Khoang chứa mẫu phẩm sau đó sẽ tách rời phi thuyền và bắt đầu hướng về Trái Đất vào 2021.

Đây có thể là “mẻ thu hoạch” lớn nhất từ vũ trụ kể từ khi các phi hành gia của tàu Apollo mang đá trên Mặt Trăng về Trái Đất vào những năm 1960-1970. Trước đây, NASA từng thu thập được các hạt vật chất từ gió Mặt Trời và bụi sao băng, nhưng chưa bao giờ lấy được mẫu từ thiên thạch.

Trong lúc đó, Nhật Bản đã mang về mẫu bụi từ thiên thạch Hayabusa trong phi vụ đầu tiên vào năm 2010. Hiện tàu vũ trụ nước này cũng đang “săn” một thiên thạch khác gần Trái Đất từ tháng 6 để thu thập mẫu vật. Thiên thạch này được đặt tên là Ryugu, to gấp 2 lần Bennu. Mẫu bụi từ Ryugu sẽ được đưa về Trái Đất vào tháng 12/2020.

Cả Bennu và Ryugu được đánh giá là những thiên thạch tiềm tàng nguy hiểm bởi chúng có thể va chạm với Trái Đất. Bennu được dự báo sẽ đâm trúng Trái Đất trong vòng 150 năm nữa.

Nhà khoa học Lauretta nhấn mạnh việc phi thuyền tiếp cận Bennu sẽ không gây thay đổi gì đáng kể với quỹ đạo của thiên thạch và cũng không làm nó trở nên nguy hiểm hơn với con người. Các nhà nghiên cứu khẳng định khi họ biết thêm càng nhiều về thiên thạch thì Trái Đất sẽ càng có thể được chuẩn bị tốt hơn trước vụ va chạm thảm khốc được dự báo trong tương lai.

Cập nhật: 05/12/2018 Theo Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video