Theo nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer gấp đôi so với đàn ông. Điều này có liên quan tới hooc môn giới tính.
Các nhà khoa học đang tích cực tìm kiếm các phương pháp điều trị mới và hiệu quả cho bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, công việc này đang gặp nhiều khó khăn do phần lớn các nghiên cứu về bệnh Alzheimer lại tập trung vào bộ não của nam giới, và gần như bỏ qua việc nghiên cứu của phái nữ. Đây được coi là một điểm mù trong nghiên cứu do bộ não của hai giới, về cơ bản, là khác nhau.
Các nhà nghiên cứu cho rằng hooc môn giới tính khiến phụ
nữ có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer gấp đôi so với nam giới.
Giáo sư Glenda Gillies tại trường Imperial College London, người đã nghiên cứu tác dụng của thuốc và hooc môn lên não, phát biểu rằng: “Chúng ta cần nhiều dữ liệu tốt hơn về sự khác biệt giới tính. Nhiều phụ nữ đã tử vong vì bệnh Alzheimer. Và vì họ sống lâu hơn, họ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nhiều so với nam giới”.
Bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có các protein bị hỏng, thường được gọi là các mảng bám và đám rối trong não. Tùy thuộc vào giới tính, mà các đám rối này được tìm thấy ở vị trí khác nhau.
Khoảng 90% nam bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer có đám rối ở khu vực trung tâm não, khu vực kiểm soát về ăn uống và quan hệ tình dục, nhưng chỉ có 10% nữ bệnh nhân có đám rối ở khu vực này. Phụ nữ thường có đám rối ở khu vực gần đó, có liên quan tới khả năng kiểm soát việc sản xuất chất acetylcholine.
Đối với căn bệnh này, phụ nữ có những triệu chứng tồi tệ hơn so với nam giới, cho dù họ có ít protein bị hư hỏng hơn.
Nghiên cứu từ Đại học Kansas còn cho thấy rằng nếu đứa trẻ có người mẹ mắc bệnh Alzheimer thì nó có nguy cơ mắc bệnh này tăng gấp đôi so với việc có một người bố mắc bệnh Alzheimer. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng các thí nghiệm trên não chuột, nhưng sự khác biệt về bộ não của hai giới là một trở ngại lớn đối với họ.
Tham khảo: Daily Mail