Quy luật lý giải vì sao đôi khi ta nói mình muốn đạt được điều gì đó nhưng vài ngày sau lại bỏ cuộc

Con người yêu thích các thử thách, nhưng với điều kiện là thử thách không vượt quá độ khó tối đa mà họ chịu đựng được.

Ví dụ, hãy hình dung bạn đang chơi tennis. Nếu bạn đấu một trận nghiêm túc với một đứa trẻ 4 tuổi, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy chán. Trận đấu quá dễ dàng. Ngược lại, nếu bạn cố gắng chơi thắng một vận động viên tennis chuyên nghiệp như Roger Federer hay Serena Williams, bạn sẽ cảm thấy mất động lực vì một lý do khác. Trận đấu quá khó khăn.

Hãy so sánh những trải nghiệm này với việc chơi tennis với một người cân tài cân sức. Trong suốt trận đấu, bạn thắng vài điểm và cũng thua vài điểm. Bạn có cơ hội toàn thắng, nhưng chỉ khi bạn thật sự cố gắng mà thôi. Trọng tâm của bạn thu hẹp lại, những yếu tố gây xao nhãng mất dần, và bạn cảm thấy hoàn toàn tập trung sức lực vào trận đấu. Thử thách bạn đang đối mặt "có độ khó kiểm soát được". Không bảo đảm bạn sẽ thắng, nhưng bạn có thể thắng. Theo khoa học, những thử thách như vậy có nhiều khả năng khiến ta duy trì động lực về lâu dài nhất.

Những thử thách quá dễ so với khả năng hiện tại của bạn thì nhàm chán, còn những thử thách quá khó thì dễ gây nản lòng. Nhưng những thử thách nằm đúng ở ranh giới thành công và thất bại thì cực kỳ hấp dẫn đối với não bộ. Chúng ta không muốn gì hơn là thuần thục một kỹ năng không vượt quá xa tầm với của mình.

Ta có thể gọi hiện tượng này là Quy luật Goldilocks. Quy luật này nói rằng con người đạt hiệu quả cao nhất khi thực hiện những việc khó hơn khả năng của họ một chút. Không quá khó cũng không quá dễ.

Sự nghiệp diễn hài của Martin là một ví dụ hoàn hảo cho Quy luật Goldilocks trong thực tế. Mỗi năm, thời lượng biểu diễn càng kéo dài hơn, nhưng chỉ dài hơn khoảng 1 hoặc 2 phút. Ông luôn thêm vào những tiết mục mới, nhưng đồng thời cũng giữ lại một vài truyện cười chắc chắn sẽ gây cười. Có vừa đủ chiến thắng để ông duy trì động lực, và có vừa đủ sai lầm để ông tiếp tục nỗ lực cải thiện.

Chinh phục các thử thách có độ khó kiểm soát được đã được chứng minh là không chỉ tạo động lực mà còn là một nguồn hạnh phúc lớn lao. Theo nhà tâm lý học Gilbert Brim: "Một trong những nguồn hạnh phúc quan trọng của con người là thực hiện những việc có độ khó phù hợp, không quá khó cũng không quá dễ".

Sự hòa quyện giữa hạnh phúc và hiệu quả tối đa được gọi là dòng chảy, trạng thái mà các vận động viên và người biểu diễn trải nghiệm. Hay nói cách khác, họ hạnh phúc hoặc hứng thú vì làm được điều gì đó một cách vô cùng điêu luyện. Dòng chảy là trạng thái tinh thần đạt được khi bạn tập trung vào một việc đến mức mọi thứ xung quanh đều trở nên mờ nhạt.

Tuy nhiên, để đạt được trạng thái hiệu quả tối đa, bạn không chỉ phải chinh phục thử thách có độ khó phù hợp, mà còn đo lường sự tiến bộ gần nhất của mình. Nhà tâm lý học Jonathan Haidt lý giải rằng, một trong những mấu chốt để đạt đến trạng thái dòng chảy đó là "bạn có phản hồi tức thì về hiệu quả thực hiện mỗi bước".

Cảm thấy bản thân tiến bộ trong hiện tại là nguồn động lực cực kỳ lớn. Steve Martin kể một câu chuyện cười và lập tức biết được nó có hiệu quả hay không nhờ phản ứng của khán giả. Hãy hình dung, thật hứng thú khi câu chuyện của bạn khiến đám đông cười ồ lên. Những phản hồi tích cực tức thì mà Martin nhận được sau khi kể một câu chuyện cười hay có lẽ đã đủ sức giúp ông vượt qua những nỗi sợ và truyền cảm hứng cho ông nỗ lực nhiều tuần liền.

Trong những lĩnh vực khác của cuộc sống, hình thức đo lường có thể khác nhưng việc đo lường là vô cùng quan trọng để đạt được sự hòa quyện giữa động lực và hạnh phúc. Trong môn tennis, bạn nhận được sự phản hồi tức thì dựa trên việc bạn có thắng điểm hay không. Bất kể cách đo lường là gì, nếu ta muốn duy trì động lực thì cần phải có một cách nào đó để não bộ hình dung sự tiến bộ. Chúng ta cần nhìn thấy những chiến thắng của mình.

Bí quyết duy trì động lực có thể được tóm gọn như sau:

  • 1. Tuân theo quy luật Goldilocks và thực hiện những việc có độ khó kiểm soát được.
  • 2. Đo lường sự tiến bộ và nhận phản hồi tức thì.

Muốn cải thiện cuộc sống là chuyện dễ dàng, nhưng duy trì sự cải thiện là chuyện khác. Nếu bạn muốn giữ động lực, hãy bắt đầu bằng một thử thách mà bạn có thể kiểm soát (độ khó), đo lường sự tiến bộ, rồi lặp lại quá trình này.

Cập nhật: 12/07/2018 Theo nhịp sống kinh tế
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video