Theo một báo cáo mới của Viện Khoa học Biển Australia, số lượng san hô ở một số khu vực thuộc rạn san hô Great Barrier đã đạt mức cao nhất trong 36 năm qua.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 5/2022, khu vực miền Trung và miền Bắc của rạn san hô Great Barrier có mức độ che phủ san hô cứng lần lượt là 33% và 36%. Độ phủ san hô giảm 4% ở khu vực phía Nam do sự bùng phát của sao biển gai.
Viện Khoa học Biển Australia phát hiện ra rằng 87 rạn san hô nói chung có mức độ stress cấp tính thấp do những thứ như lốc xoáy và sự gia tăng quần thể sao biển gai. (Sao biển gai là loài lớn thứ hai trên thế giới, dài tới 3 mét và săn mồi trên san hô. Chúng có gai với nọc độc đối với con người và động vật hoang dã biển).
San hô đang phục hồi trên rạn san hô Great Barrier ở ngoài khơi bờ biển Cairns, ngày 25/10/2019. (Ảnh: Reuters).
Khu vực được khảo sát đại diện cho 2/3 diện tích rạn san hô Great Barrier.
Báo cáo cho biết, gần một nửa số rạn san hô được nghiên cứu có độ che phủ từ 10% đến 30% san hô cứng, trong khi khoảng 1/3 số rạn có mức độ che phủ của san hô cứng từ 30% đến 50%.
Nhiệt độ nước tăng cao hơn đã dẫn đến hiện tượng tẩy trắng san hô ở một số khu vực vào tháng 3, nhưng mức nhiệt không tăng lên mức đủ cao để có thể khiến san hô chết, Viện Khoa học Biển Australia cho biết.
Rạn san hô Great Barrier nhìn từ trên cao ở ngoài khơi bờ biển Queensland, gần thị trấn Rockhampton, Australia, ngày 15/11/2018. (Ảnh: Reuters)
San hô tại Great Barrier có khả năng phục hồi và có thể phục hồi sau những xáo trộn trong quá khứ, theo Viện Khoa học Biển Australia. Tuy nhiên, các tác nhân gây căng thẳng ảnh hưởng đến san hô còn lâu mới biến mất. Triển vọng cho thấy, các đợt nắng nóng, lốc xoáy và sao biển đầu gai sẽ diễn ra thường xuyên và kéo dài hơn.
"Do đó, trong khi sự phục hồi quan sát được nói trên mang lại thông tin tốt cho tình trạng chung của Great Barrier, ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng duy trì trạng thái (tẩy trắng san hô) này", báo cáo cho biết.