Các tính toán mới cho thấy sự sống trong vũ trụ là cực kỳ hiếm, và cơ hội tồn tại các nền văn minh còn xa vời hơn.
Năm 1961, một nhà thiên văn radio trẻ tên là Frank Drake đã đưa ra một công thức để dự đoán có bao nhiêu hành tinh trong thiên hà của chúng ta có thể có nền văn minh. Công thức này được gọi là Phương trình Drake, và khi nhà phát minh tính đến các hệ số như số lượng các ngôi sao, phần trăm khả năng có các hành tinh bay quanh chúng, phần trăm khả năng những hành tinh này có thể có sự sống.., ông kết luận vũ trụ ắt hẳn rất đông đảo những sinh vật có tri giác.
Nhưng họ ở đâu? Chúng ta không hề nghe thấy họ, kể từ khi Drake và cộng sự tìm kiếm các nền văn minh ngoài trái đất.
Giờ đây, tiến sĩ Andrew Watson, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học East Anglia ở Great Britain, lại cho rằng khả năng tìm thấy sự sống ngoài trái đất giống như chúng ta là cực kỳ, cực kỳ thấp - có lẽ chỉ đến 0,01 phần trăm trong suốt 4 tỷ năm mới cho ra một hành tinh giống chúng ta có thể cho sự sống ở được.
Khả năng tồn tại sự sống trong một hành tinh nào đó trong vũ trụ là cực kỳ nhỏ nhoi. (Ảnh: ABC) |
Yếu tố mà Watson đưa ra trong lập luận này là có một "cửa sổ hẹp" cho sự sống trên trái đất - và chúng ta đã xuất hiện khá muộn trong cửa sổ đó. Mặt trời đang nở ra một cách mạnh mẽ, vì thế trái đất chỉ có thể tồn tại 1 tỷ năm nữa trước khi chết khô.
"Những cấu trúc phức tạp của sự sống được tách ra từ prokaryote (có thể là các tế bào sống nguyên thủy đầu tiên trên trái đất) nhờ một vài đột biến khác thường nào đó, và vì thế, sẽ ít phổ biến hơn nhiều so với các prokaryote. Trí tuệ thông minh lại là các bước đột biến tiếp theo nữa, vì thế lại càng khó có cơ hội xuất hiện hơn", ông viết.
Dù vậy, nhóm của Drake vẫn tiếp tục nghiên cứu về các nền văn minh ngoài trái đất, được hỗ trợ lớn hơn bởi những mạnh thường quân như đồng sáng lập Microsoft Paul Allen. Có thể một ngày nào đó, họ sẽ chứng minh rằng ý kiến của Watson là sai lầm.