Rầy nâu bùng phát, vì sao?

Hàng chục ngàn nông dân đang phải mất ăn mất ngủ vì rầy nâu. Vì sao rầy bùng phát và nên chống rầy như thế nào? Dưới đây là bài viết của GS Võ Tòng Xuân.

Học lại bài học cũ

Lúa nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá của anh Nguyễn Văn Huy (xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) bị thối gốc, hạt lép... (Ảnh: T.T.D)

Hiện khắp nơi đang lo chống rầy thì tại cánh đồng nếp Phú Tân của HTX Tân Mỹ Hưng (An Giang) không một bóng con rầy nâu, vụ hè thu này ít nhất cũng đạt 4,5 tấn/hecta. Bà con nông dân ở đây thảnh thơi, không phải lo phun xịt như những nơi khác vì đã sử dụng giống lúa IR 50404 kháng rầy cực mạnh...

Nhớ lại những năm 1976-1977, lịch sử đã và đang tái diễn với tác nhân gây hại chính là rầy nâu. Lúc ấy chúng tôi “đóng cửa” Trường đại học Cần Thơ để cho gần 2.000 sinh viên chia nhau đi diệt rầy nâu.

Gần 200 điểm nhân giống lúa IR36 kháng rầy nâu của sinh viên được thiết lập. Từ các điểm này nông dân chuyền tay nhau đổi giống lúa để trồng và chỉ sau hai vụ lúa, rầy nâu bị tiêu diệt hoàn toàn.

Sau giống IR36, nhiều giống lúa kháng rầy, năng suất cao khác đã được các nhà khoa học của ĐH Cần Thơ và Viện Lúa Ô Môn chọn tạo thêm, xuất sắc nhất là IR64 và giống MTL50 (do ĐH Cần Thơ chọn lọc từ gốc IR50404 của Viện Lúa quốc tế), đã ổn định tình trạng rầy nâu trong thời gian dài.

Đến năm 2005, đồng ruộng miền Tây lại bị cháy rầy và lác đác những bụi lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do rầy nâu truyền sang.

Do tinh giản biên chế nhà nước nên mạng lưới cán bộ khuyến nông không còn bao nhiêu, cũng ít ai đến thăm đồng ruộng để sớm phát hiện sâu bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh cháy lá.

Trong khi đó các thương lái theo yêu cầu của các công ty xuất khẩu gạo đã khuyến khích nông dân trồng thật nhiều lúa “chất lượng cao” như Jasmine 85, VD20... đều là những giống không kháng rầy.

Và đặc biệt là nhiều xã, huyện còn khuyến khích nông dân làm thêm vụ lúa thứ ba. Đây là điều kiện lý tưởng để rầy nâu phát triển, đồng ruộng lúc nào cũng có lúa ngon, lại là lúa không kháng rầy được sạ dày đặc và bón thật nhiều phân urê, thiên địch đã bị tiêu diệt hết do nông dân xịt thuốc không đúng phương pháp.

Phải cho đất nghỉ!

Trước tiên, mỗi nông dân phải biết tự cứu mình, không ỷ lại, trông chờ khuyến nông hoặc bảo vệ thực vật. Nông dân phải học để hiểu: vì sao ruộng mình lại có rầy nâu, lúc nào xịt thuốc có kết quả, khi nào không nên xịt thuốc, loại thuốc nào trị rầy hữu hiệu, khi nào phải kiên quyết nhổ bỏ hoặc cày vùi cây lúa bị bệnh virus, biết cách sạ thưa và bón phân cân đối N-P-K để vụ lúa tới tránh được sâu rầy và bệnh cháy lá.

Nhìn lại, phần lớn những thảm họa trên đồng ruộng vừa qua chủ yếu do nông dân chủ quan, không theo khuyến cáo khoa học.

Ở Thái Lan, phần lớn nông dân mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa mùa, đặc biệt là giống hương lài (Dawk Mali); chỉ khoảng 20% diện tích lúa mùa được trồng lại vụ thứ hai với giống cao sản ngắn ngày.

Trong khi đó nông dân ta không ai chịu để đất nghỉ, mỗi năm làm cả ba vụ lúa; lúa vụ ba tuy lời được chút ít hôm nay nhưng để lại hậu quả tai hại về sau vì đất đai bị bóc lột kiệt quệ, môi trường ô nhiễm phân thuốc, và tiếp tay cho sâu bệnh lan truyền từ mùa này sang mùa tới.

Để không lặp lại giặc rầy nâu, Nhà nước cần thiết lập lại mạng lưới khuyến nông và bảo vệ thực vật; chấn chỉnh lại qui định sử dụng giống lúa xác nhận kháng

rầy nâu, kiên quyết ngăn chặn nông dân/địa phương trồng lúa thơm dỏm. Khuyến cáo nông dân không làm lúa vụ ba trong mùa mưa lũ, thay vào đó sản xuất những cây trồng và vật nuôi kinh tế hơn, hoặc tốt nhất là cho đất nghỉ một vụ để xả lũ lấy phù sa.

Coi chừng rầy xanh đuôi đen

Đã đến lúc nông dân miền Tây phải thức tỉnh lại: trồng các giống lúa kháng rầy nâu chỉ hai vụ/năm bằng phương pháp “ba giảm - ba tăng” để tránh bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá hoặc cháy rầy. Không nên chạy theo phong trào trồng lúa thơm dỏm.

Một vấn đề khó khăn khác rất có thể sẽ xảy đến nếu bà con nông dân lơ là với giống lúa kháng rầy. Đó là hiện nay rầy xanh đuôi đen đang xuất hiện lẫn với rầy nâu, nhưng mật số rất ít.

Đây là loại rầy gây bệnh tungro khó trị hơn cả bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Bệnh tungro làm cả đám ruộng ngả màu vàng, cây lúa không đủ chất diệp lục để tạo hạt gạo. Càng trồng giống lúa không kháng rầy liên tục ba vụ/năm càng tạo điều kiện cho rầy phát triển.

Đến khi bệnh tungro xâm nhập nước ta (như ở Philippines) thì chúng ta sẽ phải nhập khẩu gạo mới đủ ăn. Nhà nước cần chứng tỏ vai trò quản lý của mình, và nông dân cần tuân thủ kỹ thuật đồng ruộng mới có thể chặn đứng thảm họa rầy nâu và rầy xanh đuôi đen.

GS Võ Tòng Xuân

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video