Ráy tai như thế nào là bình thường?

Ráy tai là một trong những sản phẩm của hệ bài tiết. Dựa vào các dấu hiệu của ráy tai, có thể xác định được bệnh lý của người bệnh. Vậy ráy tai như thế nào là bình thường?

1. Ráy tai từ đâu ra?

Ráy tai có tên khoa học là cerumen, được tiết ra, lưu lại trên da ống tai ngoài. Nó được tạo ra từ các chất nhờn, tế bào chết, bụi bẩn và mồ hôi trong ống tai. Sau đó, dưới tác động của lớp nhung mao trên bề mặt tế bào tuyến, ráy tai được đẩy ra ống tai ngoài. Ráy tai sẽ tự khô, bong tróc ở tai ngoài. Quy trình này sẽ tiếp diễn liên tục bên trong ống tai, lớp ráy tai này sẽ thay thế lớp ráy tai kia.

Do được ống tai đẩy ra ngoài chắn ở cửa lỗ tai nên ráy tai có tác dụng là tạo lá chắn ngăn không cho vi khuẩn, côn trùng, bụi bẩn,... xâm nhập vào ống tai. Từ đó, bảo vệ đôi tai khỏi vi khuẩn, bào tử nấm. Đồng thời, ráy tai còn giúp sóng âm được truyền tải dễ dàng hơn.


Vị trí ráy tai trong ống tai.

2. Đặc điểm của ráy tai bình thường

Ráy tai được cấu thành từ cholesterolchất béo nên bình thường có màu vàng và tính chất hơi dính. Tùy vào tình trạng sức khỏe của cơ thể mà ráy tai có thể thay đổi màu sắc, cấu trúc và mùi.

Ráy tai có thể khô hoặc ướt. Tính chất này phụ thuộc vào đặc điểm cơ địa, chế độ ăn, môi trường sống, lứa tuổi, hoạt động của tuyến ráy tai, gen di truyền,... Bên cạnh đó, ở một số người ráy tai đóng thành vảy. Đây không phải là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng nào mà chỉ là biểu hiện về tình trạng lão hóa của cơ thể, thường gặp ở người lớn tuổi. Như vậy, đó đều là những biểu hiện bình thường của ráy tai.

3. Các bệnh lý liên quan tới biểu hiện của ráy tai

Ráy tai ướt hơn bình thường và có mùi hôi

Ráy tai có mùi hôi là một trong những biểu hiện thường gặp của bệnh viêm tai giữa. Lúc này, tai đang gặp các vấn đề như nhiễm trùng, tổn thương và cần được điều trị ngay trước khi tiến triển thành viêm tai giữa mãn tính. Ngoài ra, nếu có các triệu chứng bất thường như ù tai, đầy tai, khó nghe, có khi nghe thấy tiếng kêu trong đầu, mất khả năng thăng bằng,... người bệnh nên đi khám ngay lập tức vì đó là dấu hiệu cảnh báo có vấn đề ở tai giữa.

Ráy tai chảy nước, có màu xanh như mủ

Nếu ráy tai ướt, thậm chí tai chảy nước khi hoạt động mạnh thì đó có thể là mồ hôi chảy vào tai hoặc khi tắm nước tràn vào tai. Trong trường hợp không làm gì mà ráy tai vẫn chảy nước hoặc ráy tai màu xanh, ráy tai màu vàng đậm như mủ thì có thể người bệnh đang bị nhiễm khuẩn trong tai, cần đi kiểm tra và điều trị sớm.

Ráy tai lẫn máu khô

Có thể trong quá trình lấy ráy tai, vật dụng lấy ráy đã cọ xát với biểu bì bên trong ống tai và khiến tai bị trầy xước, lẫn máu. Đôi khi, dấu hiệu này không chỉ đơn thuần là bề mặt trong tai bị tổn thương mà có thể là do thủng màng nhĩ. Vì vậy, nếu thấy ráy tai lẫn máu khô kéo dài, bạn nên đi kiểm tra sớm để tránh xảy ra nguy cơ tai mất chức năng thính giác.


Tình trạng ráy tai có liên quan đến một số bệnh lý của tai.

Ráy tai tiết quá nhiều

Ráy tai nhiều có tốt không? Thực tế, ráy tai được sản xuất theo nhu cầu của não bộ và có ý nghĩa ngăn chặn vi khuẩn tấn công ống tai. Nếu ráy tai nhiều chứng tỏ não bộ kích thích sản sinh ráy tai phục vụ nhu cầu bảo vệ ống tai.

Những người thường xuyên căng thẳng quá mức, tai có khuyết tật hoặc cơ thể hay toát mồ hôi,... cũng làm sản sinh nhiều ráy tai. Khi cảm thấy tai có nhiều ráy và có những biểu hiện bất thường khác ở tai, người bệnh nên đi khám, điều trị sớm để tránh những biến chứng nguy hiểm.

Đột nhiên không có ráy tai

Nếu phát hiện không có ráy tai nữa người bệnh cần đặc biệt lưu ý, vì có thể đã mắc phải chứng tích tụ keratin trong ống tai. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế đào thải ráy tai bị dừng lại. Thay vì được đẩy ra ngoài, ráy tai nằm im trong ống tai, tích lũy thành một nút cứng và gây bít tắc. Triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp là sốt, đau nhức ở tai hoặc sưng viêm tai nếu tích tụ ráy tai quá nhiều.

Lúc này, người bệnh không nên tự lấy ráy tai mà cần tới sự trợ giúp của bác sĩ chuyên khoa.

Các màu sắc bất thường của ráy tai

Màu sắc của ráy tai cũng là một dấu hiệu phản ánh những bất thường trong tai. Bạn nên dựa vào tình trạng màu sắc để nắm rõ hơn vấn đề của bản thân.

  • Màu xám: Nếu ráy tai có màu xám, ướt và dính thì đó là bụi bẩn được lấy ra cùng ráy tai. Tuy nhiên nếu trường hợp ráy tai có màu xám, khô đi kèm với đó là cảm giác ngứa thì có thể là triệu chứng cảnh báo bệnh chàm bội nhiễm.
  • Màu vàng nhạt: Ráy tai màu vàng nhạt hay thấy ở trẻ dưới 8 tuổi. Tuy nhiên, nếu người trưởng thành có ráy tai màu vàng nhạt thì đây là dấu hiệu cho thấy người đó bị thiếu vitamin B nhẹ
  • Màu nâu tối: Nếu ráy tai có màu nâu tối và dính thì có thể do cơ thể toát nhiều mồ hôi hoặc là dấu hiệu của bệnh cao huyết áp, cholesterol cao
  • Màu nâu tối, thành mảng dày: Là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang có vấn đề rối loạn hormone do căng thẳng và lo lắng.


Màu sắc bất thường của ráy tai báo hiệu một số bệnh lý bất thường.

4. Hướng dẫn cách vệ sinh tai an toàn

Đôi khi, ráy tai di chuyển ra ngoài quá nhiều, hình thành nút cứng gần màng nhĩ và cần được lấy ra. Cách lấy ráy tai an toàn như sau:

  • Không đưa bất kỳ vật nhọn như đầu bút chì, đinh ghim, kẹp giấy,... vào tai vì có thể làm rách màng nhĩ. Đồng thời, không sử dụng tăm bông hoặc ngón tay để ngoáy tai (vì việc này có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn, bít kín màng nhĩ)
  • Cách đúng là nên nhỏ vào tai một dung dịch làm mềm ráy tai (như nước oxy già, dầu khoáng hoặc glycerin hay nước rửa tai chuyên dùng). Nhỏ 1 - 2 giọt dung dịch vào mỗi bên tai. Phần dung dịch sẽ làm mềm ráy tai. Sau khi ráy tai đã mềm, cần chuẩn bị một bát nước ấm khoảng 37°C, dùng dụng cụ bơm nhẹ nước ấm vào tai, nghiêng đầu sang một bên để ráy tai chảy ra tự nhiên rồi nhẹ nhàng lau sạch. Lưu ý không sử dụng tăm bông hoặc khăn để chà sát mạnh vào tai.

Chú ý: Không rửa tai thường xuyên. Những người có nhiều ráy tai, mỗi tháng cũng chỉ nên thực hiện rửa tai 1 lần.

Ráy tai có tác dụng ngăn cản vi khuẩn, bụi bẩn đi vào sâu trong ống tai. Màu sắc, tính chất của ráy tai cũng có thể tiết lộ về tình trạng sức khỏe của mỗi người. Vì vậy, cần chú ý nếu ráy tai có dấu hiệu bất thường và đi khám ngay để phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Tốt nhất khi nhận thấy ráy tai có những màu sắc bất thường, bạn nên tìm tới các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và có những tư vấn cụ thể về tình trạng hiện tại. Bên cạnh đó người bệnh không nên chủ quan, bởi nếu để lâu có thể làm ảnh hưởng đến thính giác.

Cập nhật: 20/04/2022 Theo vinmec
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video