“Xin chào, tên tôi là Kaspar. Mình cùng chơi nhé,” Kaspar nói. Chú bé cười phá lên khi bị cù vào chân hay sườn. Chú cũng biết che mặt khóc và kêu lên “Ối, đau quá!” mỗi khi bị đánh đau.
Kaspar là tên của chú robot đang giúp trẻ em tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội.
Mỗi tuần một lần, gần 300 trẻ tự kỷ lứa tuổi mẫu giáo ở Stevenage, London được chơi với chú robot Kaspar trong 10 phút. Trong lúc đó, các nhà khoa học sẽ giám sát trẻ để theo dõi quá trình phát triển khả năng hòa đồng với mọi người của chúng.
Robot Kaspar đang chơi đùa với trẻ tự kỷ (Ảnh: AP)
Robot Kaspar được các nhà khoa học ở ĐH Hertfordshire (Anh) lập trình để thể hiện nhiều động tác, như cười, giận dữ, nháy mắt, và vẫy tay. Chú được tạo dáng với mái tóc đen bờm xờm, đội chiếc mũ như của cầu thủ bóng chày. Kaspar ra đời với chi phí 2.118 USD.
Theo một số nhà khoa học châu Âu độc lập, các dự án tương tự cũng đang được thực hiện ở Canada, Nhật và Mỹ, nhưng robot của Anh thành công nhất. Mẫu robot mới nhất được phủ một lớp silicon mềm như da, để giúp trẻ em thoải mái hơn khi chơi với chúng. Các nhà khoa học hy vọng, trong tương lai sẽ đưa mô hình này vào sản xuất hàng loạt để hạ giá robot xuống chỉ còn vài trăm USD.