Các nhà khoa học vốn làm công việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa, đang nghiên cứu nơi khô cằn nhất trên trái đất - sa mạc Atacama của Chile.
Trong tháng 6/2013, robot Zoë của Trường đại học Carnegie Mellon sẽ đi qua sa mạc này như một phần của cuộc thử nghiệm sinh vật học vũ trụ nhằm kiểm tra kỹ thuật và công nghệ cho chuyến du hành tiếp theo của NASA để tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa vào cuối thập niên này.
Các khu vực của sa mạc Atacama là một trong số nơi thiếu điều kiện cho sự sống nhất trên trái đất, thậm chí cả vi khuẩn cũng khó tồn tại. Mỗi thập niên, lượng mưa đo được chỉ bằng từng milimet. Ở nhiều khía cạnh, sa mạc 10 triệu năm tuổi này là một ví dụ tương tự để tìm hiểu và nghiên cứu về sự sống trên sao Hỏa.
Zoë là một robot tự hành, sử dụng năng lượng mặt trời và là thiết bị đầu tiên lập bản đồ tồn tại của vi khuẩn tại sa mạc Atacama vào năm 2005. Nó là một phần trong chương trình tiếp tục đưa robot tự hành thế hệ kế tiếp lên hành tinh đỏ vào năm 2020.
Robot Zoë nhìn giống 1 chiếc hộp, dài 2m, nặng chỉ 180kg, có 4 bánh xe trang bị bảng thu quang năng có diện tích 3m2 làm từ các tế bào năng lượng mặt trời gallium asenide hiệu quả cao khi sạc pin cho robot. Zoë được trang bị các máy chụp hình toàn cảnh, máy chụp hiển vi, quang phổ kế, có thể chụp được các vật thể phức tạp, chuyển hướng trên đường chân trời. Nó có thể phân bổ các nguồn năng lượng dựa trên hướng dẫn và các nhiệm vụ ưu tiên được trung tâm điều khiển tại Pittsburgh ra lệnh.
Vì cuộc nghiên cứu này nhằm thử nghiệm các công nghệ để thám hiểm sao Hỏa nên Zoë không được trang bị la bàn hay thiết bị nhận tín hiệu định vị toàn cầu để chuyển hướng (cả 2 thiết bị đều không có tác dụng trên hành tinh đỏ). Thay vào đó, Zoë dựa vào các mô hình địa hình quỹ đạo và tầm nhìn âm thanh nổi để tránh các vật thể. Theo nhóm nghiên cứu, phương thức này rất tốt, Zoë có thể tự hoạt động và đi xa 1km trong 1 chu kỳ lệnh. Nhiệm vụ của Zoë là nghiên cứu địa chất của Atacama và tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống để lập bản đồ địa chất sinh vật của sa mạc. Mặt dưới của robot có một màn hình huỳnh quang để tìm kiếm sự sống và một cái cày kéo lê để loại bỏ các lỗ hổng trong đất. Khi hoạt động trở lại trong tháng 6 này tại Chile, Zoë sẽ được trang bị thêm 1 mũi khoan 1 m của Honeybee Robotics để nghiên cứu sự sống dưới mặt đất.
Tạp chí Gizmag dẫn lời David Wettergreen, giáo sư của Viện Nghiên cứu robot thuộc Trường đại học Carnegie Mellon, thành viên chính trong dự án “Sự sống ở Atacama” cho biết: “Bằng chứng trực tiếp của sự sống nếu tồn tại nằm ngoài những tiếp cận hiện tại của con người và có khả năng nằm dưới lòng đất. Các cơ hội sẽ lớn dần với độ sâu nhiều hơn nhưng chúng tôi là những người đầu tiên phát triển khả năng tìm ở độ sâu 1m với một robot tự hành”.
Zoë hiện đang thực hiện các cuộc kiểm tra kỹ thuật tại Chile và sẽ bắt đầu 2 tuần khám phá sa mạc từ ngày 17/6 trong khoảng 30-40km tại Atacama. Theo kế hoạch, Zoë sẽ thực hiện 2 đợt khoan mỗi ngày, lấy các mẫu đất lên sàn của robot để các dụng cụ phân tích. Ban ngày Zoë sẽ thực hiện theo các chỉ dẫn, ban đêm sẽ chuyển sang chế độ nghỉ ngơi và tự động tiếp tục làm việc vào lúc bình minh.