Làng Gia vài năm trước, từ chỗ chỉ có chiếc xe đạp đi rong ruổi khắp nơi tìm khách hàng, giờ không ít người đã trở thành những ông chủ có cỡ ngồi ôtô đời mới đi khắp nơi tìm hướng phát triển mới. Sản phẩm của làng bây giờ không chỉ là lõi chăn bông được làm từ nguyên liệu bông thô sơ mà đã phát triển đa dạng thành chăn, ga, gối, đệm, với các mẫu mã đẹp, bền, giá rẻ không thua kém sản phẩm của Hàn Quốc, Trung Quốc. Những sản phẩm có giá trị này lại được làm từ những phế liệu vải của các công ty may mặc trên địa bàn.
Anh Tạ Xuân Hinh, Giám đốc Công ty tái chế bông Thịnh Vượng, một cơ sở trên địa bàn cho biết trước kia nguyên liệu dùng làm lõi chăn phải là bông, phần lớn được mua từ các tỉnh miền núi, chi phí vận chuyển lớn, giá nguyên liệu ngày một tăng, trong khi đó các sản phẩm cùng loại trên thị trường ngày càng đa dạng phong phú khiến cho sản phẩm chăn bông truyền thống của làng không thể cạnh tranh nổi. Với ý nghĩ "bông làm ra vải, tại sao vải lại không làm ra bông?", anh Hinh đã tìm mua một số máy móc nghiên cứu lắp ráp thành máy xé vải và đánh tơi sợi tạo thành sợi bông nhân tạo mềm, nhẹ phục vụ sản xuất chăn bông, ga, gối và đệm.
Nguyên liệu làm bông nhân tạo là các loại vải phế thải của các nhà máy may, nhà máy dệt. Trung bình mỗi tháng công ty tìm mua từ 12 đến 20 tấn nguyên liệu từ các nhà máy trong các khu công nghiệp trong tỉnh, nhiều khi trên địa bàn hết công ty phải về Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Tây… tìm mua vải phế liệu.
Từ khi nghề làm bông sống dậy, bộ mặt làng như được khoác tấm áo mới, người dân đã có mức thu nhập cao hơn hẳn những làng thuần nông khác, theo điều tra thì có tới 80% số hộ khá giàu trong làng là từ nghề làm bông, hộ nghèo chỉ còn khoảng 3%, không còn hộ đói.
Tuy nhiên, công việc làm bông hiện còn khá thủ công và manh mún. Người lao động phải băm nhỏ từng miếng vải. Công đoạn đưa vải vào xé nhỏ phải làm đi làm lại nhiều lần, bụi vải, bụi bông bay mù mịt rất khó thở. Để làm cho trắng sợi bông, nhiều cơ sở dùng các chất tẩy hoá học gây ô nhiễm bầu không khí và môi trường...