Các nhà thiên văn học sẽ có cơ hội quan sát 2I/Borisov, sao chổi đến từ hệ sao khác, ở mức độ chi tiết nhất từ trước đến nay.
So sánh 2I/Borisov và Trái Đất. (Ảnh: CNN).
Sao chổi 2I/Borisov sẽ ở cách Trái Đất 306 triệu km trong lần bay qua gần nhất trước vào hôm 8/12 trước khi tiếp tục hành trình xuyên qua hệ Mặt Trời. Khi tới gần Trái Đất hơn, sao chổi băng này sẽ để rơi nhiều khí gas và bụi ở phần đuôi hơn trong quá trình bốc hơi. "Các nhà thiên văn học đang tận dụng chuyến ghé thăm của Borisov, sử dụng kính viễn vọng như Keck để thu thập thông tin về thành phần cấu tạo của hành tinh ở những hệ sao khác", Gregory Laughlin, nhà thiên văn học ở Đại học Yale, cho biết.
Các nhà thiên văn học đến từ Đại học Yale sử dụng quang phổ kế chụp ảnh độ phân giải thấp ở Đài thiên văn W.M. Keck tại Hawaii để có thể quan sát chi tiết nhất sao chổi du hành liên sao từ khi 2I/Borisov được phát hiện lần đầu tiên vào mùa hè năm nay. Họ cũng tạo ra bức ảnh thể hiện vị trí tương đối của sao chổi này so với Trái Đất. Bức ảnh mới hé lộ phần đuôi ấn tượng trải dài gần 161.000 km của 2I/Borisov, gấp 13 lần đường kính Trái Đất.
Nhóm nghiên cứu cho rằng sao chổi này đến từ hệ sao khác nhưng bị văng khỏi hệ sau khi suýt va vào một hành tinh. Từ lần quan sát đầu tiên, các nhà thiên văn đã phát hiện nhiều chi tiết mới. Phần lõi hay còn gọi là nhân sao chổi rộng 1,6 km và có màu ánh đỏ. Họ nhận định thành phần chủ yếu của 2I/Borisov là bụi. Ngoài quỹ đạo hình hyperbol, 2I/Borisov rất giống các sao chổi khác trong hệ Mặt Trời.
"Độ sáng của vật thể sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 12 và có thể quan sát bằng kính viễn vọng cỡ trung bình cho tới tháng 4/2020. Sau đó, chúng ta chỉ có thể theo dõi nó bằng những kính viễn vọng chuyên nghiệp lớn hơn đến tháng 10/2020", Dave Farnocchia, nhà nghiên cứu ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, cho biết. Các quan sát trong tương lai sẽ tiết lộ kích thước, vòng quay và đường đi của sao chổi.