'Sẽ phổ biến rộng cách nhận biết nguồn phóng xạ'

Sự cố thất thoát nguồn phóng xạ tại Viện Công nghệ xạ hiếm tuy được khắc phục kịp thời, song vẫn gây hoang mang trong dư luận. Ông Đặng Thanh Lương, Cục phó Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã trao đổi với VnExpress về quy trình quản lý và cách nhận biết nguồn phóng xạ.

- Việc quản lý an toàn phóng xạ ở các cơ sở được thực hiện như thế nào? 

 

Bộ Khoa học Công nghệ quyết định phạt Viện Công nghệ xạ hiếm 44 triệu đồng vì để xảy ra sự cố mất phóng xạ. Viện này cũng bị cấm hoạt động trong 3 tháng. (Theo Lao Động)

Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân hiện đang cấp phép và quản lý hồ sơ của tất cả các nguồn phóng xạ trên toàn quốc (ngoại trừ khoảng 2.000 máy X quang y tế là do các Sở Khoa học và Công nghệ cấp phép). Nguồn phóng xạ là những chất có khả năng liên tục phát ra tia bức xạ ion hoá. Các máy X quang chỉ phát ra tia bức xạ khi có điện và được ấn nút điều khiển. Chính vì vậy, các nguồn phóng xạ được quản lý rất chặt chẽ hơn, đòi hỏi cấp giấy phép cho tất cả các khâu: Từ lúc nhập khẩu vào Việt Nam (hoặc từ khâu sản xuất, nếu là nguồn sản xuất trong nước), cho đến quá trình buôn bán, vận chuyển, sử dụng, lưu kho và chôn cất vĩnh viễn. Nếu nguồn phóng xạ đã qua sử dụng, trở thành chất thải nhưng vẫn được cất giữ trong kho, thì vẫn được coi là tài sản của cơ quan và chịu sự quản lý của nhà nước. Cục phải quản lý hồ sơ và tiến hành thanh tra thường xuyên. Hiện nay ở Việt Nam, công đoạn chôn cất vĩnh viễn chưa được thực hiện, mà mới dừng ở bước lưu kho, do vậy trách nhiệm bảo quản, thống kê các nguồn phóng xạ là của chủ cơ sở.

Theo Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ 1996 thì tại mỗi cơ sở đều có người người phụ trách an toàn bức xạ. Ngoài hồ sơ xin cấp phép gửi cho Cục, họ phải có phiếu khai báo các nguồn bức xạ và các chứng chỉ có liên quan, bản báo cáo phân tích đánh giá an toàn của cơ sở, chứng chỉ đào tạo về an toàn bức xạ (cứ 3 năm lại đào tạo lại), đồng thời có kế hoạch ứng phó sự cố, nhất là đối với cơ sở có nguồn bức xạ tương đối cao. Sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở có các biện pháp tăng cường công tác đảm bảo an ninh đối với các nguồn phóng xạ (chống trộm cắp, phá hoại, khủng bố...).

- Quy trình quản lý chặt chẽ như vậy, tại sao lại xảy ra sự cố như ở Viện Công nghệ xạ hiếm vừa qua? 

Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân có nhiệm vụ quản lý chung, giám sát các cơ sở thực hiện đúng pháp luật. Còn trách nhiệm đảm bảo an toàn là của chủ cơ sở (theo Nghị định 50/1998/NĐ-CP). Tất cả các nguồn phóng xạ đều có nguy cơ mất an toàn, nhất là các nguồn dễ bị tháo dỡ, di chuyển thường xuyên, hoặc cất giữ không đảm bảo trong kho. Những nguồn cố định thường khó bị mất mát hơn. Trường hợp mất nguồn phóng xạ tại Viện công nghệ xạ hiếm vừa qua là do không có người giám sát người lạ vào cơ quan, đặc biệt là những nơi có cất giữ các nguồn phóng xạ, nên nguồn đã bị lấy cắp. Người chịu trách nhiệm cao nhất ở đây là giám đốc Viện.

- Sau sự cố trên, Cục đã rút ra bài học gì cho việc quản lý nguồn phóng xạ?

Xử lý vụ việc chỉ là một phần. Bài học từ vụ việc này là không ngừng nâng cao văn hoá an toàn đối với mọi người, từ nhà quản lý đến người sử dụng và dân chúng. Cần phải hiểu rằng không chỉ nguồn phóng xạ cao mới gây nguy hiểm, mà cả những nguồn phóng xạ thấp. Việc quản lý bị lơ là ở bất cứ khâu nào cũng gây mất an toàn, làm ảnh hưởng đến tâm lý dân chúng. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rằng trách nhiệm của người phụ trách an toàn bức xạ của một cơ sở dù nhỏ hay lớn là rất quan trọng. Người phụ trách an toàn phải được chủ cơ sở giao đủ thẩm quyền, cụ thể để có thể tự mình xử lý các tình huống nhằm đảm bảo an toàn. Chẳng hạn nếu thấy có vi phạm, có nguy cơ gây mất an toàn phóng xạ, anh ta có quyền ngừng hoạt động dây chuyền sản xuất, bất chấp sức ép của chủ cơ sở. Một bài học nữa là công tác sẵn sàng ứng phó sự cố. Việc này cũng phải luôn luôn ở trạng thái sẵn sàng như hệ thống phòng cháy chữa cháy.

- Ngoài các nguồn phóng xạ có hồ sơ đầy đủ, Việt Nam còn có những nguồn phóng xạ vô chủ. Hiện chúng được quản lý ra sao?

Nguồn phóng xạ vô chủ là những nguồn vì lý do nào đó chưa bao giờ được cơ quan quản lý nhà nước quản lý. Đó là những nguồn bị đánh cắp, thất lạc song cơ sở không biết, hoặc các nguồn từ rất lâu năm, do chiến tranh để lại, hoặc các nguồn phóng xạ lẫn trong sắt thép được nhập khẩu vào Việt Nam... Chúng cũng là những nguy cơ cho xã hội. Cục chúng tôi đang xây dựng quy chế để quản lý những nguồn này, mà trước hết là xây dựng văn bản hướng dẫn các cơ sở xử lý chất thải, phân loại phế thải hay các nhà máy chế biến gang thép cách phát hiện ra chúng.

Chúng tôi khuyến kích các nhà tái chế kim loại có các biện pháp pháp hiện sớm nguồn phóng xạ để tránh nung chảy chúng, gây thiệt hại khôn lường cho chính cơ sở mình, môi trường và dân chúng. Mọi người dân hãy thông báo sớm cho cơ quan quản lý về những nghi vấn và phát hiện của mình.

- Người dân làm thế nào để nhận biết một nguồn phóng xạ? 

Người dân phải nâng cao nhận thức, đặc biệt là những người có tiềm năng cao tiếp xúc với các nguồn phóng xạ, ví dụ người thu gom phế liệu. Trước đây, Cục cũng đã phân phát tờ rơi hướng dẫn cách nhận dạng nguồn phóng xạ, nhưng còn hạn chế, chủ yếu cho những người đến học. Sau sự kiện này, Cục sẽ tăng cường công tác phổ biến đến từng người dân thông qua các phương tiện thông tin, các tờ rơi và đặc biệt là qua trang web http://www.varansac.org.vn

Dấu hiệu nhận biết nguồn phóng xạ.

Một cách đơn giản để nhận biết nguồn phóng xạ là: Thường các nguồn phóng xạ chứa trong các khối nặng đóng kín, có ký hiệu hoa thị hoặc ghi dòng chữ phóng xạ hoặc Radioactive. Trường hợp mất hết các dấu hiệu, nhưng thấy đó là một khối rất nặng hình tròn, trụ hoặc hình thoi (thường chứa chì), thì đừng cố gắng đập nó ra, mà nên tham khảo các cơ quan có trách nhiệm. Nếu phát hiện thấy các khối bất thường như vậy, người dân nên gọi điện cho các Sở khoa học công nghệ, công an hoặc trực tiếp cho Cục theo các số điện thoại sau: 04 8220298; 04 9365233; 04 9365234.

Về sức khỏe của những người đã tiếp xúc với nguồn phóng xạ, thạc sĩ Nguyễn Xuân Cử, Trưởng khoa Vật lý phóng xạ Bệnh viện K, cho rằng mức độ tác hại tùy thuộc vào cường độ phóng xạ, khoảng cách và thời gian tiếp xúc. Với những nguồn phóng xạ lớn, cường độ mạnh, những người tiếp xúc gần hoặc trong thời gian dài có thể lập tức bị tổn thương, thậm chí tử vong. Trường hợp ngược lại, có thể vài tháng, vài năm, thậm chí nhiều năm sau, các tổn thương sức khỏe mới xuất hiện. Do vậy, sau khi tiếp xúc với nguồn phóng xạ, nếu kết quả kiểm tra sức khỏe hoàn toàn bình thường thì cũng chưa thể khẳng định người đó không bị ảnh hưởng.

Người tiếp xúc với nguồn phóng xạ cần được theo dõi sức khỏe trong thời gian dài, với nhiều xét nghiệm, đặc biệt là kiểm tra các thông số máu như hồng cầu, bạch cầu, xét nghiệm nhiễm sắc thể...

Thuận An

Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video