Sếu đầu đỏ mất đất sống

Đứng giữa khu bảo tồn đồng cỏ bàng ở xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), nhìn về cánh đồng năn, hơn 50 ha, anh Tăng Phương Giản, cán bộ Dự án bảo tồn đồng cỏ bàng thở dài: “Cứ ngỡ đây là nơi sếu nương thân an toàn, vậy mà bây giờ người ta kéo đến giành đất, đào ao nuôi tôm rầm rộ. Ở bên Hòn Chông cũng vậy, đất tôm lấn dần đất sếu, môi trường tác động buộc sếu phải ra đi…”.

Không chốn nương thân!

Sếu đầu đỏ quý hiếm ở Kiên Lương, Kiên Giang đang bị tấn công không còn đất sống. (Ảnh: ND)

Vườn quốc gia Tràm Chim, Tam Nông (Đồng Tháp) và vùng Hà Tiên - Kiên Lương (Kiên Giang) là nơi sếu đầu đỏ về sống đã hàng chục năm qua. Tiến sĩ Trần Triết, Trưởng Bộ môn Thực vật - Môi sinh, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, người nhiều năm nghiên cứu về sếu, lo lắng khi chứng kiến đàn sếu về Việt Nam mỗi năm thưa dần. Anh kể: “Năm 1980 trở về trước, sếu về Tràm Chim rất nhiều, có năm hơn 800 con. Chính sự có mặt của loài sếu quý hiếm là một trong những nguyên nhân để các ngành chức năng thành lập khu bảo tồn thiên nhiên (nay là Vườn quốc gia Tràm Chim). Trong khi đó, khu vực Kiên Lương lúc còn hoang hóa có trên 20.000 ha đồng cỏ năn - cỏ bàng… chạy dài từ biển Hà Tiên vào đến kênh Vĩnh Tế thuộc xã Vĩnh Điều. Năm 1997, chúng tôi cùng các nhà khoa học người Anh vào đây và đề nghị lãnh đạo tỉnh Kiên Giang giữ lại, bảo tồn cho mai sau… Nhưng cuối cùng, hổng ai đồng ý!”.

Sau những đợt cháy rừng gây thiệt hại, Ban giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim chủ trương đưa nước vào vườn giữ ẩm quanh năm đề phòng cháy. Chính cách làm trên dẫn đến đồng cỏ năn (thức ăn của sếu) bị chết hàng loạt. Song song đó, cây mai dương tấn công nơi ở của sếu, cộng với chuyện săn bắt chim, cá, thú… buộc sếu phải đi tìm nơi ở khác.

Vùng hoang hóa Kiên Lương là nơi lý tưởng để sếu nương thân. Tại đây, có rừng phòng hộ, có tràm, cỏ năn, cỏ bàng… tạo nên môi trường phù hợp với sếu. Năm 2004, sau khi nghiên cứu thực tế. Hội Sếu quốc tế tài trợ 200.000 USD thành lập Dự án Bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ, với chức năng giữ hệ sinh thái tự nhiên và phát triển đời sống dân cư tại chỗ.

UBND tỉnh Kiên Giang đồng ý giao 2.000 ha đất để dự án thực hiện. Tuy nhiên, dự án triển khai chưa được bao lâu thì bị tác động bởi “phong trào” nuôi tôm rầm rộ. Trong khi đó, hàng ngàn héc-ta đất ở Hòn Chông (Kiên Lương), cũng “biến” thành những đồng tôm. Đêm đêm đèn cao áp sáng rực, rồi tiếng quạt, tiếng máy ầm ầm… khiến sếu không còn đất sống!

Nguy cơ đàn sếu sẽ... biến mất!

Đồng tôm bạt ngàn ở Kiên Lương “tấn công” sếu đầu đỏ. (Ảnh: ND)

Đàn sếu sẽ biến mất ở các khu bảo tồn Việt Nam, đó là lo ngại của các nhà khoa học. Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, đàn sếu giảm đi nghiêm trọng. Nếu như trước đây, sếu về Tràm Chim đến 800 con, thì gần đây chỉ khoảng 100 con. Khu vực Kiên Lương từ 300 – 400 con, nay chỉ còn hơn 200 con (!?). Hiện tại, đồng tôm tiếp tục mở rộng - đất sống của sếu thu hẹp dần. Đồng cỏ khoảng 150 ha ở Hòn Chông cũng được tỉnh Kiên Giang giao cho Nhà máy Xi măng Holcim khai thác. Trong khi đồng cỏ năn ở Phú Mỹ, vừa bị “xẻ kênh” dẫn nước vào nuôi tôm, làm thay đổi môi trường sinh thái, nguy cơ cỏ năn bị chết.

Các nhà khoa học lo ngại: Hòn Chông và Phú Mỹ đều là nước ngọt, nhưng trước lợi nhuận của con tôm, các ngành chức năng đã “xé rào” đưa nước mặn vào nuôi tôm. Môi trường thay đổi, khu bảo tồn đảo lộn, sếu bỏ đi, đất đai bị nhiễm mặn… là nguy cơ treo lơ lửng sau này(!?).

Đối với Tràm Chim, việc đào kênh chia năm xẻ bảy đã làm mất tính đặc thù và phá vỡ vùng lõi của vườn quốc gia. Hệ sinh thái thay đổi, kéo theo nhiều loài động thực vật chịu hệ lụy, trong đó sếu cũng bị tác động. Ngoài ra, trong số hơn 40.000 nhân khẩu sống chung quanh vùng đệm đa số nghèo, đời sống khó khăn… Trong khi Tràm Chim là “miếng mồi” nhiều cá, rắn, rùa, chim… nên khó ngăn được họ vào vườn lấy trộm?

Tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm đa dạng sinh học – Trường đại học Cần Thơ, cho rằng: “Cần thay đổi cách quản lý và giữ nước ở Tràm Chim. Nên áp dụng cách “lấy lửa trị lửa”, chủ động “đốt” có kiểm soát vào mùa khô. Điều này, giảm nguy cơ cháy rừng mà các loài động thực vật vẫn phát triển tốt. Bảo tồn và phát triển bãi năn để giữ lại sếu. Song song đó, tuyên truyền để mọi người có trách nhiệm bảo vệ và hưởng lợi, thì mới bền vững được”.

Tiến sĩ Trần Triết lo ngại: “Nếu không khẩn cấp bảo tồn vùng đồng cỏ tự nhiên ở Kiên Lương thì chuyện sếu biến mất là khó tránh khỏi”. Thực tế, gần đây đàn sếu ở Việt Nam thường chia thành từng đàn nhỏ, sống rải rác ở Hòn Chông, Phú Mỹ, Hòn Đất, Tràm Chim, Láng Sen… do bãi ăn thu hẹp dần.

Có thể nói, Kiên Giang là nơi có đàn sếu về nhiều nhất. Tuy nhiên, đến nay chẳng có ngành nào quan tâm theo dõi và quản lý để biết đàn sếu “sống chết” ra sao? Ngay việc ba con sếu bị chết trong quý 1- 2006, được phát hiện và báo cho Chi cục thú y và các ngành liên quan, cũng không ai ngó ngàng tới (!?).

“Trước đây, sếu về Thái Lan rất nhiều nhưng nước này phát triển mạnh nông nghiệp tác động môi trường sống làm sếu bỏ đi. Sau đó, Chính phủ Thái Lan đầu tư nhiều tiền của nhưng sếu vẫn không về. Đây là bài học rất cần rút kinh nghiệm…” - tiến sĩ Trần Triết cảnh báo.

 

Theo Sài Gòn giải phóng, Nhân dân
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video