Một nhà khoa học tạo ra máy ảnh tốc độ cao, có thể ghi lại sóng ánh sáng khi chúng chuyển động ở chế độ 3D.
Đây là phát minh của Giáo sư Lihong Wang tới từ Viện Công nghệ California, Mỹ (Caltech). Nó là phiên bản cải tiến của thiết kế máy ảnh có thể chụp 70.000 tỷ hình/giây ở chế độ 2D của chính vị giáo sư này.
Hồi tháng 1, vị giáo sư tới từ Caltech công bố T-CUP - loại máy ảnh có thể ghi lại hình ảnh với tốc độ đáng kinh ngạc nhưng chỉ có thể tạo ra hình ảnh phẳng.
Siêu máy ảnh có thể ghi lại sóng ánh sáng khi chúng chuyển động ở chế độ 3D. (Ảnh: Getty Images)
Từ đó, sau nhiều nghiên cứu, Wang cho ra đời SP-CUP - mẫu máy ảnh mới có thể chụp lại ánh sáng khi nó di chuyển trong không gian ba chiều với tốc độ 100 tỷ hình mỗi giây. Hầu hết các máy ảnh của điện thoại thông minh chỉ có thể chụp ở tốc độ 60 hình/giây.
Nói cách khác, SP-CUP có thẻ chụp được 10 tỷ bức ảnh trong vòng chưa đầy chớp mắt.
Với phát minh mới, Wang thêm yếu tố 3D vào máy ảnh bằng cách bắt chước cách con người nhìn thế giới xung quanh, bổ sung nhận thức về chiều sâu cho hình ảnh.
"Máy ảnh bây giờ là âm thanh nổi. Chúng tôi có một thấu kính, nhưng nó hoạt động như hai nửa cung cấp hai chế độ xem với độ lệch. Hai kênh bắt chước đôi mắt của chúng ta", ông này cho hay.
Sau đó, máy tính chạy camera SP-CUP xử lý 2 tín hiệu hình ảnh thành một đoạn phim ba chiều, giống như cách bộ não của chúng ta xử lý các kích thích thị giác từ thế giới xung quanh.
SP-CUP nhanh đến mức nó có thể nắm bắt sự phân cực của sóng ánh sáng.
Wang cho biết điều khiến ông hài lòng nhất về thiết kế mới của mình nằm ở triển vọng nó có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn xung quanh hiện tượng siêu phát quang - hiện tượng một chất hấp thụ năng lượng sau đó bức xạ điện từ trong miền ánh sáng nhìn thấy.
"Một số người coi đây là một trong những bí ẩn lớn nhất trong vật lý. Quá trình khiến điều này xảy ra rất bí ẩn vì tất cả diễn ra quá nhanh và chúng tôi đang tự hỏi liệu máy ảnh của chúng tôi có thể giúp tìm ra điều đó hay không", Wang cho biết.