Sinh vật ngoại lai nguy hiểm hơn cả ô nhiễm môi trường

Những loài động vật xâm lấn đang lây lan ở nhiều nơi trên thế giới với tốc độ chóng mặt. Tác hại của chúng tồi tệ hơn tình trạng ô nhiễm vì không thể kiểm soát được và gây ra thiệt hại không kể xiết một khi chúng thoát vào môi trường.

>>> Những cuộc tàn phá của động vật ngoại lai


Cóc mía (Úc) - loài ăn tạp và không có kẻ thù trong tự nhiên - Ảnh: scienceblogs.com

Không chỉ tác động xấu đến môi trường, sinh vật ngoại lai còn là sát thủ của nhiều loài động thực vật quý hiếm, đe dọa sự đa dạng sinh học và phá vỡ cân bằng sinh thái.

Những ví dụ rùng rợn

Các loài chim biển sống ở đảo Gough (Anh), nam Đại Tây Dương vốn không có kẻ thù. Nhưng giờ đây chúng đang bị tấn công bởi loại chuột siêu bự, lớn gấp ba lần kích cỡ chuột bình thường. Đổ bộ vào đảo Gough khoảng 150 năm trước qua những tàu săn cá voi, chúng nhanh chóng tiến hóa thành loài chuột khổng lồ lớn nhất thế giới hiện nay và chuyển từ loài gặm nhấm thành động vật ăn thịt hung dữ, tấn công các loài chim biển.

Trên hòn đảo được UNESCO công nhận là di sản thế giới, “vương quốc chuột” có dân số lên đến 700.000 con đang tấn công và đe dọa làm tuyệt chủng các loài chim quý hiếm nhất thế giới.

Cuối tháng 9, một nhóm các nhà hoạt động bảo vệ động vật đã bí mật lẻn vào một trang trại nuôi chồn lấy lông ở gần Ardara, tây nam Donegal (Ireland) phóng thích 5.000 con chồn. Tưởng rằng đây là cách phản đối thông minh việc giết động vật lấy lông và ghi thành tích cho “Năm quốc tế về đa dạng sinh học”, nhưng hành động này đã đe dọa nghiêm trọng môi trường và hệ sinh thái trong vùng.

Các nhà bảo vệ môi trường đang lo ngại xảy ra một thảm họa môi trường ở Donegal khi việc phóng thích giống chồn châu Mỹ được mệnh danh “chồn sát thủ” xảy ra đúng mùa sinh sản của cá hồi ở các con sông Owenea và Glen gần đó. Loài cá này sẽ là mục tiêu săn bắt của những con chồn hung dữ.

Úc là lục địa bị ảnh hưởng nặng nhất bởi những loài xâm lấn. Theo Guardian, 90 loài thực vật xâm lấn có khả năng đang được bán tại nhiều nơi ở Úc, trong khi 210 loài cá cảnh ngoại lai có thể được nhập lậu. Kinh doanh cá cảnh ở Úc có doanh số 350 triệu USD/năm. Điều lo ngại là nhiều loài cá mới đã thoát ra và xâm nhập hệ thống sông ngòi, làm suy giảm nghiêm trọng lượng cá bản địa và quần thể các loài lưỡng cư, cũng như cạnh tranh nguồn thức ăn và tàn sát những loài cá bản địa để sinh tồn.

Cóc mía là một loài gây hại khác cho môi trường, sống nhiều ở vùng nhiệt đới. Đó là loài ăn tạp và không con vật nào cố gắng “thịt” nó mà sống sót được. Kiến vàng (còn gọi là kiến điên) ở đảo Giáng Sinh cũng tương tự: “xơi” cả động vật sống trên đường đi của mình. Chúng cũng phá các khu rừng nhiệt đới bằng cách làm tổ quy mô lớn trên cây.

Phí tổn khủng khiếp, thiệt hại khôn lường

Theo báo cáo của Chính phủ Anh, các loài xâm lấn làm tiêu tốn 2 tỉ bảng/năm. Nhưng điều kinh hoàng nhất là hệ sinh thái bản địa không thể tái sinh một khi đã bị các loài này xâm lược. Chỉ riêng với việc diệt chuột ở đảo Gough, có một đề xuất thuê trực thăng thả xuống hàng nghìn tấn bả chuột. Dự kiến chuyện này “ngốn” ít nhất 2,6 triệu bảng nhưng cũng chưa chắc thành công.

Còn đối với loài chồn, Chính phủ Ireland đang chịu áp lực phải đóng cửa năm trang trại nuôi chồn còn lại ở nước này. Ireland là nước duy nhất trên thế giới tiếp tục đưa giống chồn nhỏ này vào thiên nhiên, vô tình hoặc cố ý, nhưng quốc gia này chỉ là phần nhỏ của “cuộc chơi” toàn cầu nuôi thú lấy lông. 2/3 của nghề nuôi chồn trên thế giới và 70% nuôi cáo tập trung ở các nước khác thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Nguy cơ thảm họa tự nhiên là 6.000 trang trại nuôi chồn ở EU đang là mục tiêu của những nhà hoạt động bảo vệ động vật. Tính toán lợi hại, quả thật các chính phủ sẽ phải chi nhiều tiền hơn để tiêu diệt chồn so với việc chăm sóc chúng để lấy lông.

Úc dường như đang bị “bó tay” trong cuộc chiến chống các loài xâm lấn. Dù đưa ra nhiều luật lệ gắt gao hạn chế nhập khẩu các loài cá cảnh, nhưng Chính phủ Úc vẫn không thể kiểm soát được ngành kinh doanh này. Theo thống kê chính thức, trong số 34 loài cá ngoại lai đang hoành hành ở những vùng biển Úc có 22 loài được cho là đã xâm nhập thông qua kinh doanh cá cảnh. Chúng đang đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái biển của châu lục này, trong đó có các rạn san hô.

Phòng còn hơn chống

Các sinh vật ngoại lai là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với động thực vật bản địa. Để kiểm soát và giảm thiểu tác động tiêu cực sẽ rất tốn kém.

Trong thế giới phẳng hiện nay, khi giao thương giữa các nước ngày càng mở rộng, điều kiện để các loài ngoại lai nhập cảnh càng dễ dàng hơn bằng con đường chính ngạch hoặc buôn lậu. Nếu thích nghi nhanh với môi trường các quốc gia mà chúng xâm nhập, các loài ngoại lai sẽ phát triển mạnh. Điều nguy hiểm là chúng thường không có kẻ thù thông thường so với các loài bản địa, vì thế dễ dàng trở thành kẻ xâm lấn.

Cũng có trường hợp loài ngoại lai không phát triển thành loài xâm hại nhờ được phát hiện sớm. Nhưng cũng không thể chắc chắn tiêu diệt hoàn toàn loài ngoại lai này vì theo quy luật sinh tồn, chúng sẽ tìm đường thoát thân bằng nhiều cách.

Chồn sát thủ, cóc mía, chuột khổng lồ, kiến điên chỉ là những ví dụ mang tính biểu tượng quyền lực không cân xứng kỳ lạ của nhân loại. Việc sửa sai thường rất tốn kém và bất lực. Nhưng dù sao cách tốt nhất vẫn là phòng còn hơn chống.

Những loài ngoại lai xâm lấn hiện là mối đe dọa thứ hai đối với đa dạng sinh học Trái đất, sau nguyên nhân nơi sinh sống bị hủy hoại. Chúng tác động tiêu cực đến hệ động thực vật bản địa, gây hại môi trường và làm thiệt hại kinh tế địa phương. Số liệu năm 2009 của Cơ quan Môi trường châu Âu cho biết chi phí cho những thiệt hại và kiểm soát những loài ngoại lai ở Mỹ dự đoán lên đến 80 tỉ euro/ năm, ở châu Âu là hơn 10 tỉ euro/năm.
Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video