Nhóm sinh viên Trung Quốc sống trong phòng thí nghiệm Nguyệt Cung-1 để góp phần nghiên cứu về nguồn thực phẩm và tâm lý của phi hành gia.
4 sinh viên Trung Quốc vừa hoàn thành thử nghiệm sống 200 ngày trong môi trường Mặt Trăng mô phỏng, Newsweek hôm 29/1 đưa tin. Đây là bước tiến mới trong kế hoạch nghiên cứu Mặt Trăng để xây dựng trạm vũ trụ và căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai của nước này.
Đây là cuộc thử nghiệm thứ hai trong ba cuộc thử nghiệm sống ở môi trường Mặt Trăng mô phỏng được thông báo từ tháng 5 năm ngoái. Trước đó, một nhóm 4 sinh viên khác đã sống hai tháng trong môi trường mô phỏng và giờ sẽ quay lại để vượt qua 105 ngày nữa.
Hai nhóm sinh viên Trung Quốc tham gia thử nghiệm sống trong môi trường Mặt Trăng mô phỏng. (Ảnh: Reuters).
Các sinh viên sống trong phòng thí nghiệm mang tên Nguyệt Cung-1 rộng 160m2. Nơi này tập trung phát triển những biện pháp cung cấp thực phẩm cho phi hành gia mà không cần gửi thêm hàng hóa lên Mặt Trăng.
Những loại rau củ có thể trồng được trong môi trường mô phỏng gồm lúa mì, khoai tây, cà rốt, đậu và hành. Nhóm sinh viên cũng ăn sâu bột, loài vật dùng để bổ sung protein cho phi hành gia và hỗ trợ quá trình trồng cây.
Ngoài thử nghiệm hệ thống cung cấp thức ăn, hệ thống trồng cây từ chất thải của phi hành gia, việc nhóm sinh viên sống trong môi trường mô phỏng còn giúp nghiên cứu cách con người kiểm soát căng thẳng tâm lý khi bị nhốt trong không gian nhỏ hẹp với một nhóm người nhất định trong thời gian dài mà không có ánh nắng Mặt Trời.
Trong năm nay, Trung Quốc dự định trở thành nước đầu tiên đưa tàu vũ trụ hạ cánh xuống mặt tối của Mặt Trăng. Nước này cũng lên kế hoạch dài hạn hơn nhằm mang các mẫu vật trên Mặt Trăng về Trái Đất.
Trong khi Nguyệt Cung-1 mới được xây dựng năm 2013, một số cơ quan vũ trụ khác, trong đó có NASA, từ lâu đã thiết lập những địa điểm mô phỏng nơi các phi hành gia tương lai có thể sống tách biệt.