So sánh khối lượng con người và động vật có vú hoang dã

Một nhóm nhà nghiên cứu môi trường ước tính sinh khối của tất cả động vật có vú hoang dã và phát hiện con người nặng hơn nhiều so với chúng.

Nhóm nghiên cứu đứng đầu là Ron Milo ở Viện Khoa học Weizmann tại Rehovot, Israel, cố gắng xác định một chỉ số có thể dùng để theo dõi nỗ lực bảo tồn trên quy mô toàn cầu, IFL Science hôm 10/3 đưa tin. "Ước tính số lượng cá thể rất khó khăn thậm chí với một loài do những vấn đề như tính dễ phát hiện, biến động giữa các năm và theo mùa, thiếu tiêu chuẩn hóa trong phương pháp đo, đặc biệt với loài có cơ thể nhỏ", nhóm nghiên cứu cho biết.


Hươu đuôi trắng phổ biến ở Bắc Mỹ có sinh khối lớn nhất trong số các động vật có vú hoang dã trên cạn. (Ảnh: Scientific American)

Định lượng sinh khối của tất cả động vật có vú cho phép các nhà nghiên cứu so sánh những loài với kích thước cơ thể chênh lệch nhiều. Do đó, sinh khối là yếu tố bổ sung đối với chỉ số về độ đa dạng và phong phú của loài, có thể đóng vai trò như chỉ báo về sự dồi dào của động vật có vú hoang dã trên quy mô toàn cầu, nguồn dữ liệu trực quan cho nỗ lực bảo tồn.

Ban đầu, Milo và cộng sự thu thập ước tính số lượng sẵn có của các loài cụ thể. Họ tìm thấy ước tính đối với 392 động vật có vú trên cạn, chỉ chiếm khoảng 6% tổng số loài có vú hoang dã sống ở đất liền. Để ước tính cho những loài khác, nhóm nghiên cứu sử dụng học máy. Với mỗi động vật có vú hoang dã trên cạn, họ cũng tìm hiểu sự kết hợp đặc điểm ảnh hưởng tới mức độ dồi dào của động vật. Dựa vào đó, Milo và cộng sự xây dựng mô hình học máy có thể suy ra số lượng trên toàn cầu của 94% số loài còn lại.

Phương pháp trên cung cấp ước tính cho 4.805 loài động vật có vú, dù con số vẫn thấp hơn 6.400 loài động vật có vú trên cạn còn sống ngày nay, nhóm nghiên cứu không bao gồm những động vật quá khan hiếm dữ liệu. Do tính hiếm hoi của chúng, họ cho rằng tác động đối với tổng sinh khối không đáng kể. Nhóm của Milo tính toán sinh khối của tất cả động vật có vú hoang dã vào khoảng 22 triệu tấn và phân bố không đều, 40% tổng sinh khối tập trung vào chỉ 10 loài.

Hươu đuôi trắng chiếm nhiều sinh khối nhất so với bất kỳ loài nào (trừ con người) với 2,7 triệu tấn phân bố trên 45 triệu cá thể. Xếp thứ hai là lợn rừng (1,9 triệu tấn) và voi đồng cỏ châu Phi (1,3 triệu tấn). Trong khi đó, con người nặng khoảng 390 triệu tấn và trọng lượng của tất cả gia súc chăn nuôi thậm chí còn lớn hơn (420 triệu tấn).

"Trong khi sinh khối không phải chỉ báo trực tiếp về tình trạng bảo tồn hoặc áp lực do con người gây ra, chúng tôi cho rằng tỷ lệ giữa sinh khối của động vật hoang dã và vật nuôi cung cấp hiểu biết sâu hơn về sự gia tăng tác động của con người lên hành tinh", Milo cho biết.

Nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tạo ra ước tính số lượng toàn cầu đối với những loài khác, giúp kết quả tính toán sinh khối trở nên chính xác hơn. Họ công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.

Cập nhật: 14/03/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video