SpaceX phóng thành công tên lửa Starship sau 2 lần thử thất bại

Tên lửa được kì vọng sẽ biến tham vọng định cư trên sao Hỏa của SpaceX thành hiện thực, đồng thời thực hiện các chuyến bay xuyên lục địa trên Trái đất.

Ở lần phóng thử tên lửa thứ 3 vào tối 14/3 (theo giờ Việt Nam), SpaceX đã thành công đưa "siêu tên lửa" Starship rời khỏi bệ phóng, và tiến vào không gian.


Tên lửa Starship phóng thành công tại Cơ sở phóng thử nghiệm của Space X, gần Bãi biển Boca Chica, bang Texas, Mỹ (Ảnh: SpaceX).

"Starship đã đạt vận tốc quỹ đạo", Elon Musk, người sáng lập SpaceX, tuyên bố trên mạng xã hội Twitter. "Xin chúc mừng SpaceX".

Chia sẻ thêm Elon Musk cho rằng thành công này thêm phần ý nghĩa, khi buổi phóng diễn ra vào đúng dịp kỷ niệm 22 năm thành lập SpaceX.

Buổi phóng là nhiệm vụ thử nghiệm thứ ba (IFT-3) đối với tên lửa Starship. Ở cả 2 lần thử trước, tên lửa đều phóng không thành công, và thậm chí bị nổ tung trong quá trình vận hành, gây thiệt hại nghiêm trọng cho bãi phóng.

Nhưng cũng chính nhờ kinh nghiệm được tích lũy sau 2 lần phóng, mà giờ đây, siêu tên lửa Starship đã có thể được phóng thành công lên bầu trời.

Ở lần phóng này, các kỹ sư SpaceX đã thực hiện một số sửa đổi và cải tiến, đặc biệt là đối với tầng thứ 2 của tên lửa. Mục đích chính là cải thiện sự mạnh mẽ, hiệu suất và hiệu quả của Starship.

Cụ thể, tên lửa Starship đã bổ sung các bộ làm điều hướng có hình dạng "chiếc chuông", điều chỉnh các lỗ thông hơi ở khu vực bình chứa khí metan và oxy lỏng, cũng như những thay đổi về mặt thẩm mỹ đối với tấm chắn nhiệt.

Cùng với đó, một số thành phần đã bị loại bỏ và nhiều chi tiết khác được sửa đổi, nhưng cấu trúc tổng thể của tên lửa vẫn không thay đổi.

Đối với hệ thống đẩy Super Heavy (tầng thứ nhất tên lửa), cũng đã có những điều chỉnh nhỏ bao gồm sửa đổi nhỏ về thiết kế để cải thiện hiệu suất và cho phép tên lửa mang thêm một lượng nguyên liệu đẩy. Ngoài ra, các thiết bị đầu cuối Starlink (kết nối và truyền tín hiệu) mới đã được lắp đặt trên tầng này.


Lần phóng thử tên lửa thành công hứa hẹn sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho SpaceX. (Ảnh: SpaceX).

Việc hoàn thành quỹ đạo bay thử nghiệm đánh dấu một cột mốc quan trọng với hệ thống Starship nói riêng, và ngành hàng không của nước Mỹ nói chung.

Bởi vì đây chính là tên lửa sẽ được sử dụng cho sứ mệnh Artemis 3 của NASA, với mục tiêu đưa con người đặt chân lên Mặt trăng lần đầu tiên sau 50 năm kể từ sứ mệnh Apollo lịch sử.

Theo dự kiến Artemis 3 sẽ được triển khai vào năm 2026. Như vậy, tên lửa Starship sẽ còn chưa đầy 2 năm để đáp ứng các tiêu chuẩn phương tiện đầy khắt khe của NASA, và hướng tới cột mốc lịch sử.

Theo thông báo của SpaceX, ở lần thử này, tên lửa Starship bay xa hơn đáng kể so với các lần thử trước, thực hiện hành trình xuyên qua quỹ đạo Trái đất tầm thấp, nhưng đã gặp sự cố trong quá trình quay trở lại Trái đất.

Sau đó, tàu vũ trụ được đưa lên bởi tên lửa đã bị mất liên lạc, có khả năng bị thiêu rụi hoặc vỡ ra trong quá trình trở lại khí quyển hoặc rơi xuống biển.

Hiện tại, Starship là tên lửa lớn nhất và mạnh nhất thế giới tại thời điểm hiện nay, với chiều cao 122 mét, khối lượng 5.000 tấn, lắp 33 động cơ Raptor và Raptor Vacuum, với khả năng đốt nhiên liệu methan lỏng và oxy lỏng đựng trong thùng chứa.

Trước mắt, tên lửa Starship sẽ hướng đến mục tiêu phóng các vệ tinh. Sau đó, tên lửa sẽ phục vụ các khách du lịch vũ trụ và đưa phi hành gia lên Mặt trăng trong chương trình Artemis.

Trong tương lai xa hơn, tên lửa được kì vọng sẽ biến tham vọng định cư trên sao Hỏa của SpaceX thành hiện thực, đồng thời thực hiện các chuyến bay xuyên lục địa trên Trái đất.

Cập nhật: 15/03/2024 Dân Trí
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video