Bikini, quần bò, áo cardigan... thì ai cũng biết rồi. Nhưng tại sao chúng được đặt tên như thế, bạn có biết không?
Balaclava là chiếc mũ len trùm đầu được sử dụng phổ biến từ những người lính cứu hỏa đến các viên cảnh sát. Nhưng bạn có biết, cái tên ấy thực chất lại bắt nguồn từ một ngôi làng thuộc bán đảo Krym gần Sebastopol?
Tương tự như thế, những món đồ thời trang cơ bản nhất quần bò denim, áo cardigan, áo jersey, hay thậm chí là bikini cũng có lịch sử thú vị riêng của nó, điều đặc biệt là tên của chúng đều bắt nguồn từ "người thật, việc thật, vị trí thật".
1. Quần denim
Như chúng ta thấy, quần áo làm bằng vải denim hiện đã phổ biến trên khắp thế giới, và ai cũng nghĩ rằng nguồn gốc của nó bắt nguồn từ Mỹ với những chiếc quần bò nổi tiếng.
Nhưng thực tế ,từ cái tên đến sản phẩm đều có nguồn gốc từ thị trấn Nimes thuộc phía nam nước Pháp. Đây cũng là nơi loại len đan chéo (serge) được sản xuất, nên người ta gọi sản phẩm này là "serge de Nimes".
Cho đến cuối thập niên 1600, người Anh đã "gom" hai từ "de Nimes" thành một. Vào giữa thập niên 1800, người Mỹ co ngắn cả cụm chỉ còn "denim" như ngày nay.
Người anh em thiện lành "jeans" - hay quần bò - cũng không phải có nguồn gốc từ Mỹ. Thủ đô Geona nước Ý đã tạo nên tên tuổi của mình bằng việc sản xuất những chiếc quần dài từ vải đan chéo được gọi là "fustian". Người Pháp thì gọi đó là "jene fustian".
Cho đến đầu thập niên 1800, tên gọi này được co gọn lại thành từ "jeans" và cho đến ngày nay chúng ta vẫn sử dụng từ đó.
2. Áo len cardigan
Không phải ai cũng biết chiếc áo len khoác ngoài này lại có nguồn gốc là một loại quần áo dành cho nam giới dùng trong chiến trận từ thế kỷ 19.
Chiếc áo gắn liền với câu chuyện của James Thomas Brudenell, Bá tước thứ 7 của vùng Cardigan. Trong trận Balaclava (một trận chiến trong Chiến tranh Krym), ông ta ra trận với một chiếc áo khoác len không cổ dài đến eo.
Sẽ không có điều gì đặc biệt với chiếc áo nếu như không có câu chuyện phóng đại về sự dũng cảm anh hùng của ông trong trận chiến. Các thương nhân đã lợi dụng câu chuyện về lòng dũng cảm của Cardigan để bán hàng, họ còn bổ sung thêm bức hình ông ta cùng chiếc áo yêu thích của mình để... marketing cho dễ.
Cùng với việc len đan trở thành một ngành thủ công phát triển vào giữa thập niên 1800 , nhiều gia đình cho rằng sẽ là rất hợp lý khi gửi cho con họ - những người lính ở chiến khu những chiếc áo len giống của cardigan mặc để giữ ấm.
Kiểu dáng của chiếc cardigan sau này đã được nhiều nhà thiết kế nổi tiếng kế thừa và sáng tạo. Điển hình như năm 1908, Vogue quảng cáo một loại áo len có kiểu dáng giống cardigan cho "các chị" mặc khi chơi golf hay tennis. Đến thập niên 20, Coco Chanel cũng thiết kế một loại áo cardigan riêng cho phụ nữ.
Còn bây giờ thì cardigan đã quá quen thuộc rồi.
3. Áo Jersey huyền thoại
Các tín đồ thời trang hẳn không xa lạ gì với áo jersey. Đây chính là kiểu áo thể thao “đồng phục” gắn liền với các vận động viên, và mang trên mình đặc trưng là tên của câu lạc bộ và số hiệu của người mặc.
Về nguồn gốc, nhiều người tin rằng chiếc áo này được lấy cảm hứng từ bộ đồng phục của đội chơi khúc côn cầu trên băng New Jersey Devils. Tuy nhiên, lịch sử của nó lại phức tạp hơn thế nhiều.
Thực ra, jersey là tên của một hòn đảo nhỏ thuộc nước Anh. Hòn đảo này có truyền thống sản xuất một loại áo len ấm áp với kiểu dệt khít chặt cho các thủy thủ. Sau khi du nhập vào Mỹ, người Mỹ sử dụng từ "jersey" để gọi loại đồng phục bằng len dày cho các cầu thủ bóng bầu dục vào giữa thập niên 1900.
Những chiếc áo jersey ngày nay chủ yếu được làm bằng chất liệu nhẹ hơn như nylon hay spandex, và có vẻ như chẳng liên quan gì đến chiếc áo len jersey ngày trước. Ở Anh, jersey vẫn có nghĩa là áo len, nhưng ở Canada hay Mỹ, nó được dùng để chỉ phục trang khi chơi bóng và khúc côn cầu thôi.
4. Bikini
Bikini là tên gọi của những bộ đồ tắm 2 mảnh ngày nay, nhưng phải đến thập niên 1940 cái tên này mới được sử dụng rộng rãi.
Tuy vậy theo một số nhà sử học, nguồn gốc của cái tên "bikini" có phần xa xưa hơn, từ thời La Mã cổ đại vào thế kỷ thứ 4. Họ đã tìm thấy một số bức tranh khảm minh họa hình ảnh các vận động viên với những bộ đồ tách thân trên và thân dưới.
Mặc dù được ra mắt từ rất lâu rồi nhưng những bộ đồ tắm khoe da thịt cho nữ giới chưa được ưa chuộng cho lắm. Đầu thế kỷ 20, phụ nữ vẫn tỏ ra khá "khiêm tốn" và "kín đáo" khi diện đồ bơi.
Phải đến thập niên 40, làn sóng người nổi tiếng diện đồ hai mảnh mới giúp phục trang này có được vị thế của nó. Cần biết rằng trong giai đoạn này, thế giới đang làm quen với các thuật ngữ về hạt nhân, nguyên tử. Vậy nên, họ đặt cho những người phụ nữ quyến rũ là "bombshell" (tức vỏ bom), và bất cứ thứ gì thu hút mãnh liệt là "nguyên tử" (atomic).
Năm 1946, thiết kế đồ tắm 2 mảnh được ra mắt tại Pháp với tên gọi "atome". Bộ thứ hai, được thiết kế bởi Louis Reard, ra mắt ngày 5/7/1946, chỉ 4 ngày sau khi Mỹ bắt đầu cuộc thử vũ khí hạt nhân tại Bikini Atoll. Reard đã nghĩ là rất hợp lý nếu như gọi thiết kế của ông là "le bikini", và từ đó nó chính là cái tên chính thức cho bộ áo tắm hai mảnh yêu thích của phái nữ.