Sự thật về loài cá bị đồn thích chui vào bộ phận sinh dục người

Loài cá candiru bé nhỏ của vùng Amazon thu hút sự chú ý của khoa học từ đầu thế kỷ 19 với truyền thuyết chui vào bộ phận sinh dục người và hút máu như ma cà rồng.

Theo BBC, Candiru, tên khoa học là Vandellia Cirrhosa, thuộc họ cá trê nước ngọt, có cơ thể hầu như trong suốt dài khoảng 5 cm, thường bám vào mang những con cá lớn hơn để hút máu. Với kích thước bé nhỏ, candiru như lọt thỏm giữa sự rộng lớn của Amazon và số lượng khổng lồ những sinh vật cư trú tại đây. Tuy nhiên, tin đồn đáng sợ về thói quen chui vào bộ phận sinh dục và hút máu, có thể làm chết người lại khiến chúng trở thành tâm điểm chú ý.

"Vùng Amazon hàng trăm năm nay phổ biến câu chuyện candiru chui vào vùng kín đàn ông, phụ nữ tắm trên sông, nhất là khi họ đi tiểu dưới nước", Eugene Willis mở đầu trong nghiên cứu tổng hợp các ghi chép về candiru từ năm 1829 đăng trên Tập san Phẫu thuật Mỹ năm 1930.

Những ghi chép điển hình mô tả candiru là sinh vật "rất nhỏ nhưng có khả năng của quỷ dữ" khá thịnh hành hồi thế kỷ 19, khi các nhà thám hiểm vô tình nghe thổ dân kể về loài cá có thể tấn công họ bất ngờ và đau đớn.

Để đối phó, các thổ dân phải chế ra dụng cụ phức tạp từ vỏ dừa và lá cọ nhằm bảo vệ cơ quan sinh dục. George Albert Boulenger, từ Viện Bảo tàng Anh, cho biết, thổ dân Amazon còn thiết kế hệ thống đưa nước sông lên bờ tắm giặt để không phải bước chân xuống nước.


Cá candiru (Vendellia cirhosa), loài cá ma cà rồng trong các câu chuyện đáng sợ vùng Amazon. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên)

Mục tiêu tấn công của candiru trong ghi chép hầu như là dương vật, do các nhà thám hiểm và tác giả lúc ấy đều là nam giới. Song, họ lưu ý candiru không phân biệt giới tính, chúng có thể tấn công cả vùng kín phụ nữ hay hậu môn. Candiru còn nguy hiểm tới mức có thể phóng ngược dòng nước tiểu chui vào mục tiêu.

Để tống candiru ra khỏi cơ thể, nạn nhân có thể ngâm mình trong nước nóng hoặc dùng một loại trà thảo dược đặc biệt. Tuy nhiên, cách tốt nhất nhưng cũng ghê rợn nhất là cắt bỏ cả bộ phận sinh dục.

"Đây là cách duy nhất ngăn candiru bơi tới bàng quang gây viêm và cuối cùng là tử vong", Boulenger nói. "Tại làng Tres Unidos, tiến sĩ Bach, một đồng nghiệp của tôi, đã khảo sát một người đàn ông và ba cậu bé được cho là mất dương vật sau sự cố candiru".

Dù các nạn nhân mô tả rất chi tiết những vết thương, không ai thật sự chứng kiến candiru tấn công mình, Boulenger cho biết. Tương tự, có hàng chục báo cáo liên quan tới candiru từ đầu thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20 nhưng bằng chứng cụ thể vẫn thiếu vắng.

Phân tích khoa học

Theo một nghiên cứu các nhà khoa học Mỹ đang tiến hành, nhiều khả năng candiru chịu tai tiếng cho những sự cố mà chúng không phải thủ phạm.

Chui vào vùng kín con người đồng nghĩa với cái chết chắc chắn cho candiru. Cơ hội sống sót cho candiru là số không khi phải rời khỏi môi trường nước và kẹt trong ống niệu không lớn hơn đường kính cơ thể mình.

Giả thiết thuyết phục nhất tới nay cho rằng, amoniac trong mang cá là cách candiru xác định con mồi. Nếu đúng, nước tiểu người có đặc tính tương tự đủ để candiru nhầm lẫn.


Amazon là nơi cư trú của rất nhiều sinh vật thú vị. (Ảnh: John Warburton-Lee Photography/Alamy Stock Photo).

"Cách candiru kiếm ăn thành công vào ban đêm trong vùng nước xáo động và bùn đất gợi ý rằng khả năng thích ứng của nó được điều chỉnh với các giác quan tinh nhạy hơn hẳn. Nhờ đó, candiru có thể phát hiện mùi, vị đặc trưng từ con mồi", các nhà nghiên cứu nghi ngờ.

Kiểm định giả thiết, năm 2011, Stephen Spotte từ đại học Connecticut, Mỹ và cộng sự so sánh phản xạ của candiru khi tiếp xúc với cá sống mà chúng thường hút máu và hóa chất amoniac thay cho nước tiểu. Kết quả, candiru dường như không bị amoniac thu hút mà có xu hướng thích thú trước một con cá vàng trông ngon miệng.

Giả thiết candiru tấn công người do nhầm lẫn thức ăn bị loại bỏ bằng nghiên cứu xác đáng, giới khoa học chuyển sang tìm kiếm các báo cáo chính thức về những cuộc tấn công để đưa ra lời giải rõ ràng.

Tuy nhiên, "xét tới hành vi háu đói của candiru theo tin đồn, môi trường sống rộng lớn và con số đáng kể cư dân sống dọc sông Amazon, chúng ta nên nghi ngờ vì sao chưa trường hợp nào được khẳng định trong y văn", Irmgard Bauer, từ đại học James Cook, Australia đặt nghi vấn trên một bài báo năm 2013.

Tới nay, chỉ có một báo cáo được coi là vững chắc nhất về ca bệnh candiru xâm nhập. Năm 1977, tại Manaus, Brazil, nam bệnh nhân được chuyển vào viện với con candiru trong niệu đạo. Sau nhiều giờ phẫu thuật, bác sĩ khoa niệu Anoar Samad đã cố gắng kéo xác cá ra khỏi dương vật nạn nhân. Sự cố này được chính Samad công bố và trở thành bằng chứng trực tiếp duy nhất về candiru tấn công trong y văn.

Với nhiều tâm huyết giải mã bí ẩn candiru, Stephen Spotte đã tìm gặp Samad vào năm 1999. Dù được xem nhiều ảnh, video quy trình giải cứu bệnh nhân và cả mẫu vật candiru lấy từ dương vật, Spotte vẫn e dè về độ tin cậy của câu chuyện.

Theo lời kể bệnh nhân, con candiru khi đó phóng ngược dòng nước tiểu chui vào thẳng niệu đạo của ông đầy thô bạo. Lời kể này tương thích với giai thoại về candiru, song chuyên gia cơ sinh học Bertram, từ đại học Calgary, Canada, nhận định mô tả này hoàn toàn vô căn cứ.

"Để ngược dòng nước tiểu, candiru phải bơi nhanh hơn tốc độ chảy xuôi của nước đồng thời phải nâng cơ thể lên mặt sông chống lại trọng lực", Bertram lý giải. "Trong bất cứ trường hợp nào, thậm chí nếu candiru đủ sức phóng cơ thể lên mặt nước, nó sẽ bị dòng nước tiểu mạnh vùi xuống, khiến khả năng tạo đủ lực bẩy chui vào niệu đạo là rất khó".

Chuyên gia này khẳng định, giả thiết candiru lái cơ thể vào trong dương vật như vậy là không thể vì đi ngược định luật động lực học chất lỏng.

Vấn đề tiếp theo khiến Spotte băn khoăn là mẫu vật candiru được lưu giữ có kích thước khá lớn và không có dấu hiệu từng cố nhét mình vào nơi hẹp như niệu đạo. Mặt khác, dù Samad khẳng định dùng kéo cắt các gai và lôi con cá ra khỏi dương vật, mẫu cá hầu như vẫn nguyên vẹn.

Sau điều tra, Spotte khẳng định, khả năng bị candiru tấn công khi đi tiểu ở sông Amazon là cực nhỏ, tương đương với rủi ro "vừa bị sét đánh vừa bị cá mập ăn thịt".

Giải mã bí ẩn candiru

Trong lời kể của những người tiên phong thám hiểm Amazon, những dụng cụ, hoạt động tín ngưỡng và liệu pháp chữa bệnh đều được thổ dân xây dựng để đối phó với candiru.

Nếu truyền thuyết này có thật, liệu candiru có phải hiểm họa cho hàng triệu du khách tới Amazon mỗi năm hay không? Chuyên gia Bauer đặt câu hỏi này trong phân tích các ghi chép về candiru mà bà thực hiện năm 2013.


Cá piranha, loài cá có răng nanh sắc nhọn, cũng sống tại vùng Amazon. Các vật dụng được người dân sử dụng để bảo vệ mình trước piranha có thể bị diễn giải sai thành vũ khí chống candiru vì bất đồng ngôn ngữ. (Ảnh: Cristian Ciobanu/Alamy Stock Photo)

Nữ chuyên gia cho rằng với những nhà thám hiểm can đảm vào thế kỷ 19, những người không ngại dấn thân vào rừng rậm và thường nghe rất nhiều về các sinh vật kỳ dị, rất khó để họ phân biệt rạch ròi thực tế và hư cấu.

"Trong trường hợp đó, câu chuyện ban đầu được kể với sự cẩn trọng có thể nhanh chóng lan truyền, dần dần được thêm nhiều chi tiết kinh dị và cuối cùng phổ biến tới nỗi mọi người tin rằng đó là sự thật", Bauer nói.

Rào cản ngôn ngữ cũng là một nhân tố khiến tin đồn trở nên có căn cứ. Lingua franca (ngôn ngữ cầu nối) được sử dụng rộng rãi ở Amazon, dựa trên ngôn ngữ của người Tupi, một trong những bộ tộc quan trọng nhất tại đây. Theo các đánh giá thận trọng, những người châu Âu có thể nói được lingua franca khi thám hiểm Amazon nhưng không thông thạo nó. "Khả năng hiểu sai ngôn ngữ, thái độ và cử chỉ, vì thế, là không nhỏ", Bauer nhận định.

Điều này đồng nghĩa những thói quen của thổ dân có thể đã bị diễn giải sai. Dụng cụ phức tạp bảo vệ dương vật khỏi loài cá răng nhọn hung dữ piranha bị hiểu thành vũ khí chống candiru xâm nhập.

Tương tự, trà làm từ quả cây jaguar (Genipa Americana) bị nhầm là bài thuốc tống xuất candiru. Trên thực tế, loại trà này hiệu quả hơn cho sỏi thận, căn bệnh có triệu chứng như bị candiru bơi lên bàng quang đẻ trứng.

Những sự việc có thật bị suy đoán chệch hướng là lý do khiến câu chuyện về quái vật candiru trở thành sự thật đầy thuyết phục và khiến nhiều người khiếp sợ, các chuyên gia nhận định.

Những khám phá về candiru là thông điệp về sự chiến thắng của khoa học với niềm tin dị đoan. Con người không nên đánh giá thấp sức mạnh của mẹ thiên nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh, nhưng đồng thời cần hoài nghi mọi việc, để những giai thoại nhuốm màu kỳ dị không ngăn cản loài người khám phá.

Cập nhật: 28/01/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video