Năm 1934, G. Warren Shufelt nói với tờ Los Angeles Times rằng ông đã phát hiện ra tàn tích của một nền văn minh bò sát cổ đại bên dưới Los Angeles, Mỹ.
Sâu trong trung tâm khu tài chính của Los Angeles, cách hàng trăm mét bên dưới các tòa nhà đồ sộ ở trung tâm thành phố, nơi có các ngân hàng, văn phòng công ty là một thành phố khác chỉ được nhớ đến trong những truyền thuyết đô thị của người Mỹ, một thế giới ngầm được xây dựng bởi một chủng tộc kỳ lạ đã biến mất hàng ngàn năm trước.
Ít nhất đó là những gì kỹ sư khai thác mỏ G. Warren Shufelt tuyên bố trên tờ Los Angeles Times ngày 29 tháng 1 năm 1934. Theo nhà báo Jean Bosquet, Shufelt đã đào bới ở trung tâm thành phố Los Angeles để tìm kiếm nền văn minh cổ xưa dưới lòng đất này.
Người thằn lằn được cho là đã sinh sống trong một thành phố ngầm suốt hơn 5.000 năm. Họ có trình độ công nghệ rất tiên tiến và có mối liên hệ với người Maya. Sau khi chạy thoát khỏi thảm họa mưa thiên thạch lịch sử, người Maya đã chuyển đến sinh sống dọc bờ biển Thái Bình Dương và tại đây họ đã tiếp xúc với chủng sinh vật lạ như đến từ hành tinh khác này. Những câu chuyện về người thằn lằn vẫn luôn được kể trong thần thoại của người Hopi. Họ là những người có trí tuệ cao, sở hữu những công nghệ tiên tiến.
Người thằn lằn
Shufelt lần đầu tiên nghe nói đến thành phố này trong một truyền thuyết bản địa của người Hopi (bộ tộc người da đỏ bản địa của châu Mỹ) về "người thằn lằn". Họ là một chủng tộc cổ đại, gần như bị xóa sổ sau khi một trận mưa sao băng rơi xuống phía Tây Nam Hoa Kỳ vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên - Miệng núi lửa Winslow nổi tiếng của Arizona được cho là nơi xuất hiện trận mưa sao băng này.
Theo truyền thuyết của người Hopi, người thằn lằn đã xây dựng 13 khu định cư dưới lòng đất dọc theo bờ biển Thái Bình Dương để bảo vệ bộ tộc trước những thảm họa trong tương lai. Những thành phố dưới lòng đất này là nơi ở của hàng nghìn gia đình, cùng với nguồn dự trữ lương thực.
Theo câu chuyện kể, bộ tộc của người thằn lằn đã sử dụng một "dung dịch hóa học" làm tan chảy nền đá rắn để khoan đường hầm và phòng làm nơi trú ẩn dưới lòng đất của họ. Ngoài việc che chở cho người dân trong trường hợp xảy ra thảm họa, các đường hầm còn được xây dựng để chứa những phiến vàng khổng lồ kể câu chuyện về bộ tộc, nguồn gốc của loài người và lịch sử của thế giới kể từ khi được tạo ra.
Năm 1933, tờ Los Angeles Times đã đăng tải hành trình tìm kiếm kho báu thuộc về người thằn lằn của Shufelt và một tờ báo khác là Associated Press đã lan truyền tin này đi khắp nước Mỹ. Thành phố dưới lòng đất được cho là có hình dạng giống như một con thằn lằn, trải dài từ công viên Elysia đến thư viện trung tâm Los Angeles ngày nay.
Câu chuyện của một người bản xứ Hopi
Một ông lão người da đỏ Hopi, thủ lĩnh "Little Green Leaf" nói với Shufelt rằng trung tâm thành phố bên dưới lòng đất của người thằn lằn nằm bên dưới trung tâm thành phố Los Angeles ngày nay.
Năm 1933, sau khi khảo sát khu vực, Shufelt đã mua lại khu đất trống của Banning tại số 518 Phố North Hill, nơi mà theo ông, ở bên dưới là phòng kho báu. Shufelt cho biết ông đã định vị được vàng trong hầm mộ bên dưới nhờ sự trợ giúp của "máy chụp X-quang radio".
Đây là thiết bị do ông tự chê tạo để khảo sát dưới lòng đất, tìm dầu, vàng và các tài nguyên có giá trị, và đã giúp Shufelt lập bản đồ vị trí và phạm vi của các đường hầm dưới lòng đất. Ông cho biết thành phố dưới lòng đất có hình dạng giống như một con thằn lằn khổng lồ, với phần đầu ở gần Chavez Ravine (vị trí hiện tại của Sân vận động Dodger) và phần đuôi thuôn nhọn bên dưới Thư viện Trung tâm.
Bản đồ mô tả chi tiết phạm vi của thành phố ngầm ở Los Angeles. Được đăng trên tờ Los Angeles Times vào những năm 1930. Shufelt tuyên bố, ông đã tìm thấy vị trí chính xác của một phức hợp ngầm có diện tích 1.765 mét vuông cùng 16 căn phòng cất giấu vàng. Shufelt đã phát hiện những cấu trúc bên dưới đồi Fort Moore ở Los Angeles nhờ vào chiếc máy X-quang của mình.
"Phòng chìa khóa", căn phòng chứa bản đồ thành phố và danh mục các phiến vàng, nằm bên dưới địa điểm hiện tại là Quảng trường Times-Mirror. Shufelt cũng tuyên bố rằng ông đã lần theo những lối đi kéo dài đến khu vực xung quanh Bảo tàng Tây Nam và nói rằng các đường hầm thông gió kéo dài về phía tây, mở ra Thái Bình Dương.
Bất chấp tất cả các bản đồ và sơ đồ chi tiết về thành phố ngầm chứa đầy kho báu, Shufelt vẫn chưa bao giờ tìm thấy nó. Khi đó, các tờ báo đã suy đoán rằng những kho báu này chính là số vàng mà người Tây Ban Nha đưa sang đây vào thời Mỹ còn là thuộc địa. Thế nhưng, càng xuống sâu, việc khai quật càng gặp nhiều khó khăn bởi bùn và những khối đá dày đặc. Một số chuyên gia cho rằng cần phải đào sâu khoảng 300 m, nhưng Shufelt chỉ có thể đào đến hơn 70m và ông vẫn chưa tìm thấy đường hầm hay kho báu nào.
Sau nhiều năm gây xôn xao dư luận ở Los Angeles, chiếc máy X-quang kỳ diệu của Shufelt và bản đồ chi tiết thành phố dưới lòng đất của người thằn lằn đã biến mất không để lại dấu vết, tăng thêm bí ẩn cho toàn bộ câu chuyện kỳ lạ này. Và theo thời gian, sự việc này cũng nhanh chóng bị lãng quên.