Sức sống mãnh liệt của các loài sinh vật sống tại “địa ngục” núi lửa

Loài tôm không mắt, cá đen mặt quỷ... là những sinh vật có vẻ ngoài đáng sợ nhưng lại sở hữu sức sống mãnh liệt nơi miệng núi lửa.

Sức sống mãnh liệt của các động vật dưới đáy biển

Nhắc đến núi lửa chúng ta thường nghĩ đến cái nóng kinh hoàng chết người cùng dòng nham thạch đỏ rực, tàn phá bất cứ sự sống nào khi chúng đi qua.

Tuy nhiên đó chỉ là hình ảnh của một phần nhỏ số núi lửa trồi lên trên mặt đất. Dưới đáy biển tồn tại hàng trăm ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động âm ỉ và trái ngược lại với tiếng xấu của mình, chúng thậm chí còn nuôi dưỡng sự sống xung quanh nó.

Trên thực tế, khu vực địa ngục này tồn tại cả một hệ sinh thái đặc trưng, cư trú ở khu vực xung quanh các ngọn núi lửa dưới đáy biển. Đặc biệt hơn, ngày càng có nhiều loài sinh vật mới lạ được phát hiện. Đó là những sinh vật nào, hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

1. Tôm không mắt

Vào năm 2012, các nhà khoa học đã thực hiện cuộc thám hiểm vùng núi lửa sâu nhất dưới đáy biển Caribbean và phát hiện ra một loài tôm tồn tại ở nơi có thể được coi là “nóng nhất hành tinh” này.

Vùng núi lửa sâu nhất dưới đáy biển này bao gồm các “ống khói đen” cao hàng ngàn mét trong đó có ống khói nằm dưới độ sâu 5.000m dưới mực nước biển - ống khói núi lửa sâu nhất trên thế giới.

Dù ở độ sâu khủng khiếp cùng sức nóng của lượng nhiệt tỏa ra từ tâm Trái đất nhưng tôm Rimicaris hybisae vẫn có thể sống tốt. Cụ thể, Rimicaris hybisae vẫn tồn tại trong môi trường nước lên đến 450 độ C - gấp 4,5 lần nhiệt độ sôi mà vẫn không bị nấu chín.

Tuy nhiên, Rimicaris hybisae không có mắt để phù hợp với quá trình tiến hóa và môi trường sống khắc nhiệt dưới đáy biển. Thay vào đó, loài tôm này lại sở hữu một cơ quan cảm thụ ánh sáng trên lưng giúp điều hướng trong điều kiện thiếu sáng.

2. Cá đen mặt quỷ

Trong cuộc nghiên cứu một vùng núi lửa ngầm cổ trong khu vực, các nhà khoa học Úc đã tìm thấy một loài cá đen da trơn có kích thước khá nhỏ gần một ngọn núi lửa dưới đáy đại dương. Theo mô tả, loài vật này sở hữu cặp răng nanh dài với kích cỡ nhỏ hơn cả ngón tay người.

Mặc dù vẫn tồn tại nhiều tranh cãi về việc loài cá này có nhiều nét tương đồng với cá rồng đen - loài thủy quái đáng sợ của đại dương nhưng các nhà khoa học đã khẳng định đây hoàn toàn là một loài mới.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, loài cá này là cư dân của vùng núi lửa sâu dưới đáy biển và chúng sống nhờ vào môi trường nước ấm nóng có tính axit cao ở đây. Các cuộc điều tra vẫn tiếp tục được tiến hành để xác định chính xác danh tính của loài cá này.

3. Cua lông

Một chi mới của loài cua Yeti vừa được giới sinh vật học ở Mỹ phát hiện với thân hình tròn nhỏ như một… con nhện cùng những đám lông màu trắng.

Loài cua này có tên Kiwa tyleri, được tìm thấy ở độ sâu 2.600m dưới đáy biển. Chúng sống gần miệng núi lửa, bên cạnh những lỗ thủy nhiệt phun ra dòng nước có nhiệt độ lên đến 400 độ C - khác hẳn với họ hàng xa của mình là loài cua Yeti.

Các nhà khoa học nhận ra rằng loài cua này lợi dụng sự xen lẫn của các dòng biển nóng và lạnh để tồn tại gần nguồn nhiệt khổng lồ phát ra từ núi lửa. Chúng cũng phát triển “bộ lông” trên ngực và chân của mình để thu hút và bắt giữ vi khuẩn- nguồn thực phẩm chính.

4. Cá mập đầu búa

Trong một cuộc nghiên cứu gần đây về hoạt động của ngọn núi lửa ngầm dưới biển thuộc quần đảo Solomon, các nhà khoa học đã bất ngờ khi ghi lại được hình ảnh của một con cá mập đầu búa bơi quanh khu khói bụi của núi lửa đang hoạt động.

Nằm trong vành đai núi lửa Thái Bình Dương, núi lửa Kavachi này là một trong những ngọn núi lửa ngầm hoạt động mạnh mẽ nhất trên thế giới. Vùng nước xung quanh Kavachi có tính axit rất cao và mang nguồn nhiệt chết người, khiến cho việc xuất hiện các cá thể sống lớn thường là không thể.

Bên cạnh cá mập, các nhà khoa học còn ghi nhận được sự xuất hiện của loài cá đuối ó. Phát hiện này làm dấy lên nhiều câu hỏi trong giới sinh vật học. Các nhà nghiên cứu tranh cãi về việc liệu có hay không những loài động vật thường chỉ sống ở vùng nước lạnh này đã tiến hóa để sinh sống xung quanh các miệng núi lửa hay liệu sự xuất hiện của chúng là một dấu hiệu cảnh báo của một đợt phun trào?

Dù là thế nào, những phát hiện này thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với giới sinh vật học nhất là về thế giới sinh vật biển. Nó chứng minh cho việc biển sâu vẫn còn nắm giữ vô số bí ẩn mà con người khó có thể tưởng tượng được.

Theo Trí Thức Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video