Nghiên cứu mới đây do Viện Lão khoa và 5 trung tâm y khoa khác trên toàn quốc thực hiện đã phát hiện có đến 34% những người đến khám có triệu chứng suy tĩnh mạch (STM) ở mức độ khác nhau.
Giãn tĩnh mạch kèm theo bị phù chi dưới (Ảnh: TTO) |
Suy tĩnh mạch mãn tính là bệnh rất thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Theo một số nghiên cứu dịch tễ học, tỉ lệ người mắc bệnh này có thể lên đến 30% - 40%. Và bệnh thường gặp ở công nhân, giáo viên...
Theo PGS-TS Phạm Thắng, Viện trưởng Viện Lão khoa, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng bệnh thường không điển hình nên bản thân người bệnh rất dễ nhầm với những biểu hiện già hóa bình thường của cơ thể. Tỉ lệ mắc bệnh ở phụ nữ có thể cao gấp 2 lần, thậm chí 3 lần, so với nam giới do những thay đổi về hoóc môn trong cơ thể. Bệnh cũng thường gặp ở người làm việc đòi hỏi phải đứng nhiều (công nhân dệt, may, bán hàng, thợ cắt tóc, giáo viên...). Một số trường hợp khác là do có thói quen đi giày cao gót, mặc quần áo quá chật.
Một điều dễ nhận thấy là các triệu chứng sẽ tăng lên rõ rệt khi đứng lâu, ngồi lâu, trong môi trường nóng và thường xuất hiện vào cuối ngày. Bệnh nhân có thể cảm nhận được cảm giác nặng chân hoặc căng ở bắp chân, có thể gây phù nhẹ ở cổ chân, có cảm giác nóng rát trong cẳng chân hoặc hay ngứa ngáy...
Viêm da, cổ chân khô và lở loét
Bệnh STM mãn tính tiến triển từ từ nhưng nếu không được điều trị sẽ gây nên nhiều biến chứng nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
Theo PGS Thắng, STM gây nên tình trạng giãn tĩnh mạch ở chân, các tĩnh mạch giãn to ngoằn ngoèo, trông rất xấu làm bệnh nhân mặc cảm... Tuy nhiên, bị STM lâu ngày sẽ dẫn đến những thay đổi dưới da và tổ chức dưới da. Da trở nên thâm đen kèm theo các tổn thương như chàm, viêm da... lâu dần toàn bộ cổ chân khô cứng như gỗ, không còn sự đàn hồi. Khi những biểu hiện này xuất hiện sẽ nhanh chóng dẫn đến việc hình thành các vết loét có thể gây tàn phế nặng nề cho bệnh nhân.
Đối với bệnh nhân STM mãn tính, sử dụng thuốc là phương pháp đầu tiên bác sĩ lựa chọn. Bên cạnh đó, ép chi dưới cũng là một biện pháp trong tất cả các giai đoạn của bệnh. Trong một số trường hợp, phẫu thuật sẽ là biện pháp hữu hiệu để loại bỏ đoạn tĩnh mạch không hồi phục hoặc sử dụng năng lượng laser hoặc sóng cao tần để loại bỏ những tĩnh mạch bị xơ. Tuy nhiên, PGS Thắng cho rằng, song song với các biện pháp điều trị nói trên cũng cần chú ý tới phương pháp điều trị bằng liệu pháp tư thế và thay đổi yếu tố có nguy cơ gây bệnh để có được kết quả điều trị tốt nhất.
Để phòng tránh bệnh STM, quan trọng nhất là thường xuyên vận động như: đi bộ, bơi, đi xe đạp, nhảy... Với những người béo phì cần ăn uống và luyện tập để giảm bớt cân nặng vì đây là một yếu tố nguy cơ gây STM. Bên cạnh đó, cần hạn chế tình trạng ngồi lâu hoặc đứng lâu. Trường hợp điều kiện nghề nghiệp bắt buộc, nên cố gắng xen kẽ những động tác cử động chân và khi nghỉ ngơi có thể gác chân lên cao để máu dễ lưu thông.