Tại sao dùng bao cao su vẫn có thể lây bệnh tình dục?

HPV, herpes, giang mai, rận mu có thể lây nhiễm qua cả dịch tiết cơ thể lẫn tiếp xúc da kề da nên dùng bao cao su không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh.

Hầu hết nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) theo hai cách là tiếp xúc da kề da và dịch cơ thể. Người có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc bệnh.

Bao cao su là biện pháp tránh thai duy nhất có thể ngăn một số STI. Liên đoàn Kế hoạch hóa Gia đình Mỹ ước tính hầu hết bao cao su có hiệu quả khoảng 98% nếu được sử dụng đúng cách, nhưng hiệu quả trên thực tế chỉ khoảng 87%. Người sử dụng biện pháp bảo vệ này khi quan hệ tình dục vẫn có thể lây truyền hoặc nhiễm STI.

Các bệnh lây qua dịch tiết

Bao cao su thông thường có khả năng ngăn ngừa các bệnh tình dục lây qua dịch sinh dục như tinh dịch, dịch tiết âm đạo và máu trong quá trình quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vì chúng không hiệu quả 100% và một số bệnh có nhiều hình thức lây truyền, nên bao cao su thực tế chỉ làm giảm nguy cơ chứ không thể bảo vệ cơ thể mọi lúc.

Bao cao su phủ thân dương vật là loại phổ biến nhất, có thể được làm bằng cao su latex, polyurethane hoặc polyisoprene. Đây là những chất liệu có thể ngăn ngừa lây lan dịch cơ thể. Trong khi đó, bao cao su làm từ da cừu có những lỗ nhỏ li ti nên dịch tiết chứa mầm bệnh vẫn có thể đi qua khi sử dụng.

Một số bệnh lây qua dịch tiết cơ thể khó phòng ngừa hoàn toàn bằng bao cao su như bệnh Chlamydia, bệnh lậu, virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), virus u nhú ở người HPV (cũng lây truyền qua tiếp xúc da), virus herpes simplex HSV (có thể lây truyền qua tiếp xúc da), viêm gan B và C, bệnh Trichomonas.


Sử dụng đúng cách bao cao su khi quan hệ tình dục giảm nguy cơ lây nhiễm STI. (Ảnh: Ngọc Phạm).

Các bệnh lây truyền qua da

Bao cao su không có khả năng ngăn ngừa các bệnh tình dục lây truyền qua tiếp xúc da kề da. Nhiều loại STI gây ra vết loét hoặc kích ứng da ở những vùng không được bao cao su bao phủ như sau:

  • HPV có một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục.
  • HSV gây ra tổn thương ở miệng, hậu môn, bẹn hoặc vùng chậu nhưng cũng có thể lây truyền qua da chưa xuất hiện tổn thương.
  • U mềm gây ra các nốt nhỏ, mềm trên da.
  • Rận mu sống và đẻ trứng ở lông mu.
  • Giang mai gây ra vết loét tròn, cứng gọi là săng giang mai.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm STI, ngoài sử dụng bao cao su đúng cách, cần hạn chế số lượng bạn tình, hiểu rõ về tình trạng mắc bệnh của mình và chia sẻ với bạn tình.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị nữ giới nữ dưới 25 tuổi và đang hoạt động tình dục nên sàng lọc bệnh chlamydia, lậu, HIV, HPV và viêm gan C. Những người có nguy cơ cao hơn, như người có nhiều bạn tình, cần xét nghiệm thường xuyên hơn và xét nghiệm cả các STI khác. Phụ nữ mang thai cũng cần xét nghiệm STI có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc lây truyền cho trẻ trong quá trình sinh nở.

Nam giới, người chuyển giới hoặc đa dạng giới tính cũng nên sàng lọc STI, tùy vào đời sống tình dục, bạn tình và giải phẫu của cá nhân. Tuy nhiên, hiện không có phương pháp sàng lọc để phát hiện HPV ở nam giới.

Hầu hết bệnh tình dục không có triệu chứng hoặc rất mờ nhạt. Có thể mất vài ngày đến vài tuần kể từ khi nhiễm vi khuẩn, người bệnh mới phát triển bệnh lậu, chlamydia và giang mai. Với HIV, thời gian phát bệnh sau khi tiếp xúc virus có thể tới ba tháng. Do đó, nếu nghi ngờ mình nhiễm bệnh, hãy trao đổi với bác sĩ và xét nghiệm sớm.

Khi kết quả xét nghiệm dương tính, người bệnh cần ngừng quan hệ tình dục ngay lập tức và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Đồng thời, họ cần thông báo với bạn tình để họ xét nghiệm và tránh lây lan bệnh rộng hơn. Nhiều STI có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh.

Cập nhật: 30/08/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video