Cảm giác thèm ăn ngọt không chỉ là ham muốn ăn uống thông thường. Nói đúng hơn, đó là sự kết hợp phức tạp của tiến trình cảm xúc, hành vi, nhận thức và sinh lý trong cơ thể.
Lý do khiến bạn thèm đồ ngọt
Sự thật là hầu hết chúng ta đều thèm đồ ngọt. Các nhà nghiên cứu mới đây đã thực hiện nghiên cứu khoa học về cảm giác thèm ăn đường của con người và phát hiện này có thể giúp bạn giảm bớt cảm giác thèm ăn. Tìm hiểu lý do tại sao bạn có những cảm giác thèm ăn này để có thể học cách kiềm chế chúng.
Tại sao hay thèm đồ ngọt?
Các nghiên cứu ước tính rằng có đến 90% dân số trưởng thành có thể cảm thấy thèm ăn và những cảm giác thèm ăn này thường là thức ăn có đường.
Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng cảm giác thèm ăn carbohydrate và các loại thực phẩm có đường khác là do mong muốn cải thiện tâm trạng vì thực tế tiêu thụ đồ ngọt làm tăng mức serotonin trong não. Serotonin, còn được gọi là hormone tạo cảm giác tốt, là một chất dẫn truyền thần kinh não giúp tăng cường cảm giác hạnh phúc của bạn.
Thèm ăn ngọt là triệu chứng của rất nhiều vấn đề bất ổn trong cơ thể.
Song, cảm giác thèm ăn còn là sự kết hợp phức tạp của tiến trình cảm xúc, hành vi, nhận thức và sinh lý trong cơ thể, trang tin The Conversation (Úc).
Khi bị bệnh, cơ chế sinh học kích thích chúng ta thèm ăn đường bột là vì những mục đích sau:
Thúc đẩy miễn dịch
Khi bệnh tật tấn công cơ thể, hệ miễn dịch sẽ bắt đầu được kích hoạt để loại bỏ mầm bệnh. Vì vậy, để hoạt động tốt, hệ miễn dịch cần thêm năng lượng. Hiện tượng này thường sẽ dẫn đến sự gia tăng quá trình trao đổi chất của cơ thể, đẩy nhu cầu năng lượng và hấp thu dinh dưỡng tăng cao.
Những món có đường và tinh bột là nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng nhanh chóng và dồi dào. Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều đường, vượt mức cần thiết thì sẽ dễ gây ra các viêm nhiễm trong cơ thể, từ đó cản trở quá trình phục hồi.
Thiếu canxi, magie
Nếu đang cảm thấy thèm đồ ngọt như nước ngọt có gas, có thể là bạn đang bị thiếu canxi và magie, khiến cơ thể mệt mỏi và không tỉnh táo. Thành phần chính của nước ngọt là caffeine, vì vậy, nó có thể giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng cũng là chất gây nghiện. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nước ngọt không giúp bạn bổ sung 2 khoáng chất này, ngược lại còn khiến cơ thể thiếu hụt canxi và magie hơn.
Ngoài nước ngọt có gas, nếu bạn thèm một thanh chocolate thì có thể cơ thể đang bị thiếu magie. Hay lo lắng, căng thẳng, thậm chí có thể trầm cảm là những biểu hiện của việc thiếu hụt magie.
Vì vậy, để tỉnh táo và giảm cảm giác thèm đồ ngọt, bạn có thể ăn chocolate. Đã có nghiên cứu chứng minh rằng, nếu mỗi ngày ăn khoảng từ 100g - 400g chocolate đen có thể cải thiện tình trạng trầm cảm. Nhưng cần lưu ý rằng đó phải là chocolate đen, không phải chocolate sữa thường được bày bán trong siêu thị.
Thiếu vitamin B gây thèm ăn ngọt
Thèm ăn ngọt khi tâm trạng căng thẳng, ủ rũ, buồn rầu cũng có thể là do cơ thể bạn đang thiếu vitamin nhóm B nghiêm trọng. Các loại vitamin B bao gồm B1 (thiamin), B2 (riboflavin), B3 (niacin), B5 (pantothenic acid) là những vitamin tham gia vào quá trình tạo ra năng lượng.
Khi não bộ không nhận đủ năng lượng để hoạt động, tinh thần bị áp lực, sẽ khiến cơ thể tìm đến đồ ăn ngọt để cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, bạn cũng có xu hướng ăn chất béo nhiều hơn. Do đó, sau giai đoạn áp lực, bạn có xu hướng bị tăng cân. Để tránh tình trạng này, thay vì tiêu thụ đồ ngọt, hãy bổ sung các loại thực phẩm như đậu nành, đậu phộng, dầu cá và uống nhiều nước cam hơn.
Nếu thường xuyên nghĩ đến thức ăn ngọt, thèm đồ ngọt kèm với các biểu hiện như mệt mỏi, hay lo lắng, căng thẳng, không tỉnh táo,... có thể là bạn đang thiếu một số khoáng chất quan trọng như canxi, magie, crom, vitamin nhóm B. Vì vậy, việc thăm khám để bổ sung vi chất dinh dưỡng là rất cần thiết.
Nhiều người mắc chứng trầm cảm cố gắng ăn thật nhiều đồ ngọt để giúp tâm trạng hưng phấn nhưng vô tình mắc bệnh béo phì
Thiếu ngủ
Các nghiên cứu khoa học đã xác định rằng, thiếu ngủ thường kéo theo cảm giác thèm ăn ngọt, mặn và nhiều tinh bột. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chúng ta có xu hướng lựa chọn thực phẩm kém khi cảm thấy mệt mỏi.
Thiếu calo
Nếu đang nhịn ăn hoặc đơn giản là không tiêu thụ đủ calo để đáp ứng nhu cầu của cơ thể thì cảm giác thèm ăn đường của bạn sẽ tăng lên. Điều này là do cơ thể bạn đang khao khát năng lượng nhanh chóng đó.
Căng thẳng
Căng thẳng làm tăng hoóc môn adrenaline, cortisol và huy động năng lượng trong cơ thể để ứng phó với tình huống gây căng thẳng.
Do đó, căng thẳng kéo dài sẽ phá vỡ cân bằng năng lượng trong cơ thể, gây thiếu hụt dinh dưỡng và kích thích thèm ăn. Hệ quả là cơ thể sẽ thèm các món có nhiều năng lượng như tinh bột và đường.
Làm sao để giảm cảm giác thèm ngọt?
Theo khuyến nghị của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, nên hạn chế lượng đường ăn vào dưới 10% lượng calo hàng ngày. Nhưng một số chuyên gia cũng như Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị giới hạn thấp hơn tới 6% lượng calo hàng ngày .
Hấp thụ quá nhiều đường làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như: tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch. Ngoài ra chúng cũng làm giảm năng lượng, tăng nguy cơ trầm cảm và góp phần gây bệnh lý răng miệng.
Tuy nhiên, cai nghiện đồ ngọt không hề dễ dàng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đồ ngọt ảnh hưởng đến não giống như chất gây nghiện là moocphin, cocain hay nicotine. Trung bình mỗi ngày, người Mỹ tiêu thụ tới 22 – 30 muỗng cà phê đường mỗi ngày, trong khi mức khuyến cáo là 6 muỗng cà phê.
Khi cắt đường, cơ thể sẽ gặp phải một vài triệu chứng như mệt mỏi, chán nản, chóng mặt, buồn nôn,...Điều này có thể khiến bạn nản lòng nhưng chỉ cần vượt qua những ngày đầu thì chắc chắn bạn sẽ thành công.
Nên hạn chế lượng đường ăn vào dưới 10% lượng calo hàng ngày
Một số lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn vượt qua cảm giác thèm ngọt
Dừng tất cả các dạng đồ ngọt
Cai nghiện đồ ngọt dần dần sẽ giúp bạn giảm triệu chứng khó chịu nhưng đồng nghĩa với việc triệu chứng sẽ kéo dài lâu hơn. Dừng ăn ngay lập tức các dạng đồ ngọt, thực phẩm chứa đường sẽ giúp cơ thể làm quen nhanh hơn, triệu chứng cũng chấm dứt sớm hơn. Thực hiện bằng cách dừng tất cả các dạng thực phẩm chứa đường bao gồm: đồ uống và đồ ăn ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, bột mì trắng.
Ăn nhiều protein
Ăn tăng protein ở mỗi bữa ăn giúp duy trì năng lượng cơ thể trong quá trình cai nghiện đồ ngọt và tránh đói. Những cơn đói sẽ không thể dụ dỗ bạn ăn một thanh kẹo hoặc ăn đồ ngọt khác. Nên bổ sung Protein từ thịt gia cầm, cá, thịt nạc, các loại rau và hạt giàu protein ở cả bữa chính và bữa ăn nhẹ.
Ăn nhiều chất xơ
Các thực phẩm giàu chất xơ cũng giúp bạn tránh khỏi cơn đói và kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Các chất xơ chứa nhiều trong rau và các loại hạt giúp bạn giảm triệu chứng khi cai nghiện đồ ngọt như đau đầu, buồn nôn mà vẫn giữ được cảm giác thèm ăn.
Uống nhiều nước
Uống nhiều nước cũng giúp cơ thể bạn cảm thấy thoải mái hơn trong giai đoạn này. Đặc biệt khi bạn tăng ăn chất xơ thì uống nhiều nước giúp loại bỏ nguy cơ táo bón.
Ngoài ra, cảm giác khát thường bị nhầm với đói. Uống 1 ly nước giúp bạn chống lại cơn thèm ăn và sự thôi thúc ăn quá nhiều để thỏa mãn cơn thèm.
Uống nước là một trong số phương pháp giúp giảm cơn thèm ngọt
Tránh chất làm ngọt nhân tạo
Chất làm ngọt nhân tạo vẫn tạo hương vị ngọt nhưng không chứa hoặc chứa ít calo. Mặc dù vậy, sử dụng chất ngọt nhân tạo lại làm tăng cảm giác thèm đồ ngọt, người dùng có thể bị phụ thuộc. Hãy cố gắng tránh xa các thực phẩm ngọt, ngay cả các chất làm ngọt nhân tạo để cai nghiện một lần và mãi mãi.
Kiểm soát căng thẳng
Nghiên cứu cho thấy căng thẳng làm tăng cảm giác thèm ngọt, do đường giúp làm dịu các hormone gây căng thẳng. Vì thế kiểm soát căng thẳng giúp bạn cai nghiện đồ ngọt dễ dàng hơn. Đi dạo, nói chuyện với bạn bè hay đọc cuốn sách yêu thích và cách đơn giản giúp bạn kiểm soát tình trạng tâm lý này.
Tập thể dục
Tập thể dục giúp giảm cảm giác thèm đồ ngọt, chống lại triệu chứng mệt mỏi, thèm ăn, căng thẳng và uể oải của cơ thể.
Ngủ đủ giấc
Ngủ không đủ giấc có thể khiến các triệu chứng khi cai nghiện đồ ngọt trở nên trầm trọng hơn như: thèm ăn, mệt mỏi, trầm cảm,... Một giấc ngủ tốt sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, có năng lượng cao hơn, cải thiện trí nhớ và sự tập trung. Để giấc ngủ ngon hơn, bạn nên hạn chế ngủ trưa và tạo thói quen ngủ ở một giờ nhất định mỗi tối.