Tại sao một số loài rắn hổ có thể phun nọc chính xác vào mắt nạn nhân?

Nọc rắn hổ nếu dính vào mắt sẽ gây ra tình trạng đau nhức dữ dội, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Một số loài rắn hổ có khả năng phun nọc có thể bắn nọc độc từ răng nanh của mình vào mắt nạn nhân từ khoảng cách hơn 1,5m ngay cả khi chúng đang di chuyển với độ chính xác khoảng 90%.

Chúng có khả năng dự đoán vị trí mục tiêu chỉ trong khoảng thời gian bằng nửa cái chớp mắt.

Khả năng phun nọc chính xác ngay cả khi đang di chuyển


Một số loài rắn hổ có thể phun nọc chính xác vào mắt nạn nhân trong khoảng cách 1,5m. (Ảnh: Shutterstock).

Để phân tích khả năng phun nọc chết người của loài rắn hổ, nhà hình thái học chức năng Bruce Young, Đại học Massachusetts (Mỹ), đã đứng đằng sau một tấm mica và ghi lại quá trình phun nọc độc của rắn hổ mang Nam Phi khi chúng nhắm mục tiêu vào mắt ông.

Chuyên gia này phát hiện những con rắn có xu hướng ngọ nguậy đầu trước khi phun nọc.

Không chỉ Young, nhà nghiên cứu bò sát Guido Westhoff, Đại học Bonn (Đức), cũng từng ghi nhận hiện tượng này ở rắn hổ mang.

Trong quá trình làm việc cùng nhau, Young đảm nhận việc kích thích những con rắn phun nọc, Westhoff chịu trách nhiệm ghi lại chuyển động của đầu rắn. Các nhà nghiên cứu khác phụ trách quay lại chuyển động của rắn hổ mang.

Họ phát hiện loài vật này có tới 500 chuyển động/giây, nhanh hơn khoảng 20 lần so với tốc độ của máy ảnh trung bình.

Trong 6 tuần, các nhà nghiên cứu ghi nhận 100 lần phun nọc của những con rắn. Khi phân tích, họ phát hiện rắn có thể nhận diện được chuyển động của đối thủ trước 0,2 giây, bằng nửa thời gian của một cú chớp mắt.

Trong tích tắc đó, con rắn có thể định hướng hướng phun nọc độc để có thể nhắm chính xác vào mắt nạn nhân.

"Chỉ cần một chút giọt bắn nọc rắn nguyên chất hoặc pha loãng văng vào mắt, giác mạc ngay lập tức sẽ tê liệt, nạn nhân sẽ không thể nhìn thấy gì sau đó", Young nói với Live Science.

Ngoài ra, theo Young, khả năng phun nọc chính xác khi đang di chuyển của một số loài rắn hổ là đặc điểm không quá phổ biến ở rắn hay bò sát nói chung.


Sau khi dính nọc rắn, mắt nạn nhân (bên trái) sẽ mờ dần và mất khả năng quan sát. (Ảnh: Healio).

Sự đặc biệt của nọc được phun ra

Các nhà khoa học thuộc Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh) đã phân tích nọc độc của 17 loại rắn phun và không phun để tìm ra sự khác biệt giữa chúng.

Theo đó, các hợp chất phổ biến nhất trong nọc độc rắn hổ được gọi là độc tố "3 ngón tay". Chất này chiếm 60% trong nọc độc rắn nói chung.

Tuy nhiên, nọc rắn hổ phun ra lại chứa nhiều độc tố phospholipase A2. Độc tố này trong nọc các loại rắn không phun rất ít hoặc gần như không.

Thông qua thí nghiệm trên chuột, các nhà nghiên cứu phát hiện độc tố "3 ngón tay" khi kết hợp với phospholipase A2 có khả năng gây ra nhiều cơn đau dữ dội hơn.

Cụ thể, nọc rắn phun có khả năng kích thích gấp đôi tế báo thần kinh chuột so với nọc rắn không phun.

Chia sẻ trên Science, nhà sinh vật học Nicholas Casewell, nọc một số loài rắn đã tiến hóa để giúp chúng có khả năng phòng vệ tốt hơn.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu chất độc Stephen Mackessy, Đại học Bắc Colorado (Mỹ), việc rắn tiến hóa nọc độc khiến chúng mù mắt là cách loài động vật này xua đuổi những con vật săn mồi khác.

Tuy nhiên, lý do loài rắn tiến hóa để phun nọc vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là cách rắn tự bảo vệ mình khỏi bị các loài động vật có vú to lớn giẫm lên dù mắt của những loài này khó có thể tấn công bằng các tia nọc.

Theo Casewell, người tiền sử là lý do khiến rắn tiến hóa để phun nọc.

"Tổ tiên của chúng ta từng là mối đe dọa đối với loài rắn. Loài người có đôi mắt hướng về phía trước, không được che chắn hay bảo vệ. Đây có thể là mục tiêu tốt để rắn tiến hóa để phun chất độc vào con người", ông phân tích.

Cập nhật: 06/07/2023 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video