Tại sao mũi thường nghẹt vào buổi sáng?

Nhiễm trùng xoang, trào ngược axit, các chất gây dị ứng như mạt bụi, nấm mốc, lông thú cưng có thể kích ứng niêm mạc, khiến mũi nghẹt.

Nghẹt mũi thường do cảm lạnh, nhiễm các loại virus khác và thường tự khỏi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, nhiều yếu tố có thể gây viêm và kích ứng các mô mũi, làm cho nước mũi chảy nhiều khi thức dậy.

Nhiễm trùng xoang

Bệnh có triệu chứng nghẹt mũi kèm theo đau hoặc nhức vùng mặt. Nước mũi đặc, màu xanh hoặc vàng kèm theo hơi thở có mùi hôi. Theo Phòng khám Cleveland, nhiễm trùng xoang thường do cảm lạnh thông thường, dị ứng, các tác nhân kích thích xoang khiến mũi sưng lên và tắc nghẽn.

Khắc phục: Nhiễm trùng xoang thường tự khỏi trong vòng 7-10 ngày, trường hợp nặng cần điều trị. Rửa mũi bằng nước muối giúp loại bỏ chất kích thích bên trong mũi, ngăn ngừa tích tụ chất nhầy.

Dị ứng hoặc chất kích thích từ môi trường

Chất gây dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng, gián, nấm mốc khiến mũi dễ nghẹt vào buổi sáng. Với một số người, khói thuốc lá, mùi nước hoa, xịt phòng, sản phẩm tẩy rửa cũng có thể gây ra vấn đề.

Khắc phục:‌ Loại bỏ tác nhân gây dị ứng, sử dụng máy lọc không khí giúp giảm triệu chứng.

Không khí quá khô

Thời tiết hanh khô không chỉ ảnh hưởng đến làn da mà còn kích ứng xoang mũi. Độ ẩm thấp khiến cơ thể tăng dịch mũi, dẫn đến tắc nghẽn.

‌Khắc phục:‌ Sử dụng máy tạo độ ẩm ở mức 40-50% trong phòng ngủ giữ cho niêm mạc mũi không bị khô.


Nghẹt mũi vào buổi sáng có thể do nhiều tác nhân như không khí quá khô, nhiễm trùng xoang. (Ảnh: Freepik).

Khói thuốc

Khói thuốc có thể gây viêm và giảm khả năng làm sạch chất nhầy của mũi. Tình trạng này có thể xảy ra cả với người hút và người hít phải khói thuốc.

‌Khắc phục:‌ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến nghị bỏ thuốc giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh tim, phổi, bao gồm cả nghẹt mũi.

Trào ngược axit

Trào ngược axit không chỉ gây kích ứng cổ họng mà còn dẫn đến chảy nước mũi. Các triệu chứng trào ngược có xu hướng nặng hơn vào ban đêm khi người bệnh nằm xuống. Do đó, mũi có nhiều chất nhầy hơn khi thức dậy vào hôm sau.

‌Khắc phục:‌ Tránh các món gây trào ngược, không ăn ít nhất ba giờ trước khi đi ngủ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, người bệnh cần đi khám chuyên khoa để điều trị.

Tác dụng phụ của thuốc

Các loại thuốc điều trị huyết áp cao, rối loạn cương dương, trầm cảm và co giật đều có nguy cơ làm tăng dịch nhầy ở mũi.

‌Khắc phục:‌ Tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc thay thế các thuốc khác ít tác dụng phụ hơn.

Nằm ngửa khi ngủ

Tư thế ngủ có thể là nguyên nhân gây nghẹt mũi. Khi nằm ngửa, máu tăng lưu thông lên đầu và mũi, dẫn đến tắc nghẽn. Theo Mayo Clinic, nằm ngửa cũng kích hoạt các nguyên nhân gây chảy nước mũi khác như trào ngược axit.

‌Khắc phục:‌ Chuyển sang tư thế nằm nghiêng để giảm lưu lượng máu thừa đến đầu, mũi.

Lệch vách ngăn mũi

Đôi khi nghẹt mũi có thể do cấu trúc ở mũi, phổ biến nhất là lệch vách ngăn. Đây là tình trạng sụn ngăn cách hai bên mũi (vách ngăn mũi) dịch chuyển đáng kể sang một bên, làm cho một bên mũi nhỏ hơn bên còn lại. Ngoài khả năng gây nghẽn dịch mũi, trong một số trường hợp chúng còn dẫn đến đau đầu thường xuyên, chảy máu cam, ngáy...

Khắc phục:‌ Dùng thuốc giúp giảm triệu chứng hoặc phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn nếu thuốc không có tác dụng.

Hầu hết tình trạng tăng tiết chất nhầy buổi sáng giảm trong vòng một hoặc hai tuần nhờ thay đổi lối sống, dùng thuốc. Nếu các triệu chứng không bớt sau 10-14 ngày, người bệnh cần đi bác sĩ khám.

Cập nhật: 09/11/2023 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video