Khi cái nóng gay gắt của mùa hè bao trùm bên ngoài, nhiều người lại phải đối mặt với bầu không khí lạnh giá trong văn phòng do máy lạnh được sử dụng quá mức. Điều này khiến nhiều nhân viên, đặc biệt là phụ nữ, phải mặc thêm áo len, chăn mỏng để giữ ấm.
Tình trạng "mùa đông trong văn phòng" này đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là một hiện tượng ngẫu nhiên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và năng suất làm việc của nhân viên.
Thomas Chang, một nhà kinh tế học kinh doanh tại Đại học Nam California, cho biết: "Nếu mọi người không thoải mái, họ sẽ không thể làm việc tốt như họ có thể". "Điều này nghe có vẻ hiển nhiên đến mức ngớ ngẩn, nhưng đó là những gì chúng tôi tìm thấy". Nghiên cứu của Chang và các đồng nghiệp cho thấy phụ nữ có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn ở nhiệt độ cao hơn so với nam giới. Điều này không chỉ xảy ra ở văn phòng mà còn ở ngoài trời, trong nhà hay nơi làm việc. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ nhạy cảm hơn với cái lạnh khi so với nam giới.
Nhưng tại sao lại vậy? Liệu có khác biệt nào trong cơ thể nam giới và phụ nữ quyết định mức nhiệt độ thoải mái của họ hay không? Và có giải pháp nào cho vấn đề này?
Phụ nữ thường có ít cơ bắp hơn đàn ông, vì thế cơ thể của họ sinh nhiệt ít hơn.
1. Đúng là nữ giới chịu lạnh kém hơn đàn ông
Giống như một cỗ máy trong khi hoạt động, cơ thể con người sinh nhiệt trong mọi quá trình của nó, từ các cơ bắp khi bạn vận động và cả khi bạn ngồi im, từng tế bào với các phản ứng sinh hóa của chúng cũng sinh nhiệt.
Vấn đề là với cùng một trọng lượng cơ thể, phụ nữ thường có ít cơ bắp hơn đàn ông. Do đó, hoạt động cơ thể của họ sinh nhiệt ít hơn. Các phản ứng trong cơ thể phụ nữ cũng vậy, họ có tỷ lệ trao đổi chất thấp hơn nam giới. Điều này khiến nữ giới về bản chất chịu lạnh kém hơn đàn ông.
Nhưng so sánh nhiệt lượng mà cơ thể sinh ra, hay nhiệt độ lõi phát ra từ sâu bên trong cơ thể chưa phải là tất cả câu chuyện. Chúng ta còn có một thông số nữa, nhiệt độ cảm nhận. Nhiệt độ cảm nhận liên quan đến cách mà hệ thần kinh của chúng ta phản ứng với nhiệt độ bên ngoài môi trường.
Phụ nữ có một tỷ lệ mỡ (có tác dụng cách nhiệt) trong cơ thể cao hơn đàn ông, nhưng chúng chỉ tập trung ở phần trung tâm cơ thể, không phải ở là các chi.
Ngược lại, mỡ thậm chí còn chắn giữa da và cơ bắp của họ, làm nhiệt độ lõi của cơ thể không kịp bù đắp cho nhiệt độ cảm nhận trên da. Do đó, phụ nữ thường dễ bị lạnh tay và chân hơn đàn ông.
Phụ nữ thường dễ bị lạnh tay và chân hơn đàn ông.
Khi tay và chân của họ lạnh, các dây thần kinh sau đó sẽ chỉ đạo các mạch máu co lại sớm hơn như một cơ chế giữ nhiệt. Điều này khiến tay phụ nữ thường trắng bệch ra khi ở trong môi trường điều hòa lạnh.
Cứ nhìn sang vợ hay đồng nghiệp của bạn ở văn phòng, bạn sẽ thấy. Hiệu ứng này thậm chí còn thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt của họ. Đó là bởi sự ảnh hưởng của các hormone estrogen và progesterone.
Estrogen làm giãn nở các mạch máu ở các đầu chi, còn progesterone có thể làm cho các mạch trên da co lại. Vào tuần đầu sau khi trứng rụng, mức progesterone trong cơ thể phụ nữ thường tăng cao, khiến họ đặc biệt nhạy cảm với nhiệt độ lạnh.
Nếu đo nhiệt độ trên da phụ nữ và nam giới lúc này, mức chênh lệch có thể lên tới 3 độ C.
Tuy nhiên, mặc dù họ có bàn tay và bàn chân lạnh hơn, phụ nữ lại có nhiệt độ lõi ấm hơn so với nam giới. Đây rất có thể là nguồn gốc của câu nói "Người có bàn tay lạnh cũng là người có trái tim ấm".
Đo nhiệt độ trên da phụ nữ và nam giới, mức chênh lệch có thể lên tới 3 độ C.
2. Cơ chế của tiến hóa
Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Global Ecology and Biogeography, các nhà khoa học tại Đại học Tel-Aviv, Isarel đã chỉ ra không chỉ có con người, các loài chim và động vật có vú cũng có xu hướng chịu lạnh theo giới tính khác nhau.
Cụ thể, họ đã tìm thấy 13 loài chim di cư và 18 loài dơi ở Israel có đặc điểm phân chia khu vực sinh sống theo nhiệt độ.
Ví dụ, quần thể dơi sống trên các hang động thuộc sườn núi Hermon, Israel chủ yếu là dơi đực. Đây là khu vực cao và có khí hậu lạnh hơn. Trong khi đó, những con dơi cái chủ yếu sống tập trung ở vùng biển Galilee, nơi có khí hậu ấm hơn.
Ở các loài chim di cư, những con trống cũng thường chọn nơi lạnh hơn chim mái để tới trong mùa đông. Ngay cả các loài động vật có vú sống theo cặp hoặc theo nhóm suốt đời cũng xuất hiện hiện tượng tương tự, khi con đực thích bóng râm trong khi con cái thích phơi mình dưới nắng. Những con đực hay leo lên đỉnh núi trong khi con cái ở dưới thung lũng, nơi có nhiệt độ cao hơn.
Giải thích cho điều này, các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết:
Giả thuyết thứ nhất cho rằng các cơ chế nội tiết tố và thần kinh điều chỉnh khả năng chịu lạnh ở hai giới khác nhau, nhằm mục đích tách biệt con đực và con cái.
Điều này giúp giảm cạnh tranh về tài nguyên và môi trường sống. Ngoài ra, con đực cũng có thể trở nên hung dữ và gây hại cho con cái khi chúng đang chăm con non.
Giả thuyết thứ hai cũng liên quan đến việc chăm con, đó là những con cái thường phải đưa con non của mình tới các vùng nhiệt độ ấm áp hơn, khi cơ thể con non chưa trưởng thành và chưa tự điều chỉnh được thân nhiệt.
Vì vậy, sự khác biệt giữa các cơ chế cảm ứng nhiệt theo giới có thể mang lại một số lợi thế tiến hóa cho sinh vật.
3. Vậy làm thế nào để dung hòa khác biệt này?
Theo tiến sĩ Tali Magory Cohen, tác giả nghiên cứu đến từ Đại học Tel-Aviv, bởi sự khác biệt trong ngưỡng chịu đựng nhiệt độ của nam và nữ là một phần mà tiến hóa đã lập trình, điều chúng ta nên làm là tuân thủ chứ không phải chống lại nó.
"Quay trở lại với thế giới con người, điểm mấu chốt mà chúng ta có thể nói, đó là sự khác biệt về cảm giác nhiệt không nên dẫn tới việc các cặp vợ chồng phải cãi nhau về nhiệt độ điều hòa. Ngược lại, nó có nghĩa là các cặp vợ chồng nên giữ một khoảng cách nào đó với nhau, để mỗi cá nhân có thể tận hưởng một chút yên bình và tĩnh tại", tiến sĩ Cohen nói.
Nhiều cặp vợ chồng ngày nay đã áp dụng một cái gọi là "Phương pháp ngủ Scandinavian". Trong đó, họ sẽ ngủ trong hai phòng khác nhau hoặc ngủ cùng giường nhưng đắp chăn riêng. Và đây là một cách để khắc phục sự khác biệt về sở thích nhiệt độ giữa hai giới.
Ở các văn phòng làm việc, nghiên cứu này thúc đẩy các công ty nên thiết kế các hệ thống điều hòa làm mát riêng cho từng khu vực dành cho nhân viên nam và nhân viên nữ. Hoặc nếu không được, họ nên có các biện pháp cải tiến riêng, ví dụ như phát thêm quạt cho nhân viên nam và thêm chăn cho nhân viên nữ.
Các giải pháp đơn giản này có thể cung cấp sự thoải mái về nhiệt độ cho từng cá nhân, đáp ứng nhu cầu giới của họ mà không ảnh hưởng đến những người khác đang chia sẻ cùng một không gian.