Tan chảy với những nơi rực rỡ sắc màu nhất Trái Đất

Không chỉ những họa sĩ lừng danh mới có thể tạo ra được các tác phẩm nghệ thuật, mà chính vẻ đẹp tự nhiên của Trái Đất đã khiến bao tâm hồn yêu cái đẹp phải tan chảy.

Khắp nơi trên thế giới, từ những tòa nhà đến các cánh đồng, từ những ngọn núi cao đến các danh lam thắng cảnh, dù là tự nhiên hay nhân tạo, đều được bao phủ bởi vẻ đẹp mê hồn bằng những mảng màu rực rỡ.

Cánh đồng hoa Shikisai no Oka, Hokkaido, Nhật Bản


Ảnh: Thanya Jones/Shutterstock.

Thời gian nào là lý tưởng nhất để đến Hokkaido? Xin trả lời rằng bốn mùa trong năm. Tại cánh đồng hoa Shikisai no Oka ở hòn đảo này, hoa trồng thay đổi theo mùa khiến nơi đây quanh năm chìm trong những sắc hoa sặc sỡ. Hoa oải hương được trồng vào mùa hè, hoa tulip nở vào mùa xuân.

Trang trại Tomita


Ảnh: Kyodo News/Getty Images.

Trang trại hoa này nằm ở Nakafurano, Hokkaido, trồng 13 loài hoa khác nhau, từ hoa cúc vạn thọ, hoa oải hương cho đến hoa anh túc, hoa hồng Nhật Bản,... Đến đây vào mùa xuân hay mùa hè, du khách sẽ được đắm chìm vào những dải màu trải dài gần như bất tận được tạo ra bởi vô số các loài hoa.

Núi Cầu Vồng (Vinicunca)


Ảnh: emperorcosar/Shutterstock.

Vinicunca hay tên thường gọi là Montaña de Siete Colores (Núi Bảy Màu, Núi Cầu Vồng), là ngọn núi được bao phủ tự nhiên bởi các dải sọc có màu hồng, xanh lam, vàng, xanh lục, cam, tím và xám. Các mảng màu này được tạo nên từ vô số các quá trình tự nhiên gồm phong hóa, nâng mảng kiến tạo, suy thoái vỏ địa cầu,...

Làng Cinque Terre, Italy


Ảnh: iryna1/Shutterstock.

Là một trong những di sản thế giới được bình chọn bởi UNESCO, làng Cinque Terre nằm dọc theo bờ biển Riviera của Ý thu hút khách du lịch bởi màu sắc rực rỡ ở những ngôi nhà cổ nằm cheo leo trên những ngọn núi cao.

Grand Prismatic Spring, Công viên quốc gia Yellowstone


Ảnh: Lane V. Erickson/Shutterstock.

Grand Prismatic (Lăng kính Lớn) là hồ nước nóng lớn nhất tại Mỹ và lớn thứ ba trên thế giới. Nằm tại lưu vực Midway Geyser ở hạt Teton, bang Utah, mặt hồ giống như sự tán sắc ánh sáng trắng qua một lăng kính quang học, gồm đủ các màu từ đỏ, cam, vàng, xanh lá cây cho tới xanh lam.

Bắc Cực quang, Na Uy


Ảnh: MarcinWojc/Shutterstock.

Cực quang là hiện tượng quang học đẹp mắt được gây ra khi các hạt điện tích từ Mặt Trời tương tác với khí quyển Trái Đất. Kết quả của quá trình này tạo nên những dải sáng mềm mại như những dải lụa phất phơ trên bầu trời. Tuy có thể quan sát được cực quang ở Canada, Alaska, Nga,... nhưng Na Uy vẫn là một điểm đến lý tưởng nhất để theo dõi hiện tượng này.

Sông Ngũ Sắc, Colombia


Ảnh: Kike Calvo/Getty Images.

Con sông rực rỡ màu sắc chạy dài gần 100 km ở chân núi Serranía de la Macarena, Colombia là nhà của ba hệ sinh thái lớn và độc đáo: núi Andes, rừng mưa nhiệt đới Amazon và đồng bằng Llanos. Loài thực vật Macarenia phát triển rất tốt ở đây, chúng bám vào đá ven sông và tạo nên màu sắc đặc trưng như vậy.

Hồng Hải Bàn Cẩm, Trung Quốc


Ảnh: riverwill_kay/Shutterstock.

Được biết đến với cái tên Hồng Hải hay Biển Đỏ phiên bản Trung Quốc, nhưng nơi này không phải là biển thật sự với bãi cát dài và vùng nước sâu, mà nó chỉ là một vùng đất ngập nước mọc đầy lau sậy đỏ rực. Loài cây thủy sinh này phát triển rực rỡ vào tháng 4 và tháng 5, khi nước trở nên mặn nhất. Có khoảng 400 loài sinh vật sống ở đây và 250 loài chim di cư đến đây hằng năm.

Hang băng Mendenhall, Alaska


Ảnh: Zhukova Valentyna/Shutterstock.

Từ con sông băng Mendenhall đi vào bên trong khoảng 20 mét là hang băng cùng tên, mở ra một thế giới mới dành cho những ai yêu thích sự mạo hiểm khám phá. Khu vực này không có đường bộ, nên du khách phải đi đường biển để đến được đây.

Cánh đồng cải dầu vàng, New South Wales, Australia


Ảnh: trappy76/Shutterstock.

Những cánh đồng cải dầu vàng trải dài gần như đến vô cùng ở khắp đất nước Australia, chúng được trồng để thu hoạch lấy hạt cải và sản xuất dầu hạt cải. Đây là mặt hàng xuất khẩu có giá trị của Úc và điều này khiến nông dân đẩy mạnh trồng chúng, tạo nên khung cảnh vàng rực ở miền quê của đảo quốc này.

Côn Minh, Trung Quốc


Ảnh: Tanes Ngamsom/Shutterstock.

Miền đất đỏ Côn Minh ở Trung Quốc được tạo nên từ địa hình đất giàu sắt bị oxy hóa do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Tuy vậy, đây không phải là một trở ngại mà ngược lại nó còn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Thành phố của những mảng xanh, Chefchaouen, Morocco


Ảnh: Tanna Ho/Shutterstock.

Thành phố này được thành lập từ năm 1471 nhưng mãi đến năm 1492 người dân mới bắt đầu sơn xanh nhà và tạo thành truyền thống liên tục cho đến tận ngày nay. Vào lúc đó, rất đông người Do Thái phải chạy trốn khỏi Tây Ban Nha do tòa án dị giáo ở đây kết họ tội chết, họ tị nạn và mang theo màu xanh của bầu trời và Thượng đế đến nơi ở mới này.

Cánh đồng hoa bluebonnet, Texas


Ảnh: DCA Photography/Shutterstock.

Mỗi năm vào trung tuần tháng 3 và tháng 4, hoa bluebonnet sẽ nở rộ ở mọi ngóc ngách tại bang Texas, Mỹ. Phần lớn hoa ở đây mọc tự nhiên, người dân bản địa sẽ không hái hoa vì đó là điều cấm kị theo truyền thống, dẫu vậy luật pháp không cấm và tình trạng hái hoa thường xuyên diễn ra.

Công viên Địa chất Trương Dịch, Trung Quốc


Ảnh: KimRs/Shutterstock.

Những ngọn núi cao lớn và rực rỡ sắc màu còn được gọi là “Núi Cầu Vồng của Trung Quốc”. Để thúc đẩy phát triển du lịch, chính quyền sở tại đã xây dựng hệ thống thang bộ để giúp du khách dễ dàng đến được phần chân núi, nhưng nếu muốn đi xa hơn thì họ sẽ phải tự đi bộ và đó là một quãng đường rất khó khăn.

Hồ Hillier, Australia


Ảnh: matteo_it/shutterstock.

Mặc dù nằm cạnh vùng nước xanh mát của Thái Bình Dương, nhưng hồ Hillier vẫn giữ cho mình được màu sắc hồng sữa rất hấp dẫn. Bên trong hồ, loài tảo Dunaliella salina và loài vi khuẩn Halobacteria sinh sôi nảy nở rất mãnh liệt, chúng không chỉ khiến nước ở đây có độ mặn cao mà còn tạo nên màu sắc đầy thơ mộng như thế.

Hang Waitomo, New Zealand


Ảnh: criskorah/Shutterstock.

Loài bọ độc đáo Arachnocampa luminosa chỉ sống duy nhất tại New Zealand, chúng phát ra ánh sáng xanh dịu mắt ở sâu bên trong hang Waitomo. Nhưng trong thực tế, chúng không phải là sinh vật trưởng thành mà chỉ là ấu trùng chưa nở của một loài gặm nhấm ăn nấm.

The Wave, Arizona


Ảnh: Filip Fuxa/Shutterstock.

Tạo tác địa chất nổi tiếng The Wave nằm tại khu vực Coyote Buttes North thuộc nhóm Vách đá Paria Canyon-Vermilion ở bang Arizona (Mỹ) là một nơi đầy mê hoặc bởi đường nét và màu sắc. Tuy vậy, chỉ có 20 người được phép vào bên trong do nơi đây được chính phủ Mỹ bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt trước lo ngại chúng bị phá hủy khi đón lượng lớn khách du lịch.

Làng Hoàng Long, Trung Quốc


Ảnh: Tawatchaiwanasri/Shutterstock.

Những tầng hồ nước mang một màu sắc nhẹ dịu được tạo ra bởi các mỏ khoáng sản ở gần đó, màu nước sẽ thay đổi theo các mùa trong năm. Với giá vé khoảng 500.000 đồng, du khách sẽ được tham quan 4 km vuông ngập các mảng màu dịu mát.

Thác nước ngầm, Mauritius


Ảnh: Myroslava Bozhko/Shutterstock.

Thoạt nhìn, có lẽ ai trong chúng ta cũng ngỡ có một thác nước chảy cuồn cuộn ở bên dưới mặt biển màu lam ngọc của Ấn Độ Dương. Nhưng trong thực tế, đó chính là cát bị đẩy ra khỏi thềm lục địa bên dưới mặt nước và nó có tên gọi là Cao nguyên Mascarene.

Công viên Namib-Naukluft


Ảnh: Frans Lanting.

Rừng cây Vachellia erioloba ở công viên Namib-Naukluft, Namibia trông như một bức tranh vẽ khi được chụp vào lúc bình minh.

Cập nhật: 04/05/2019 Theo khampha
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video