Tàu Maven sắp đi vào quỹ đạo của sao Hỏa

Một con tàu vũ trụ không người lái của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) được phóng vào không gian vào cuối năm ngoái nhằm nghiên cứu về sự thay đổi khí hậu của sao Hỏa sẽ đi vào quỹ đạo của hành tinh đỏ ngày 22/9, sau hành trình kéo dài 10 tháng, theo AFP ngày 18/9.

>>> NASA chuẩn bị sứ mệnh mới trên Sao Hỏa

Tàu Maven, viết tắt của Sứ mệnh Khí quyển và Tiến hóa bất ổn của sao Hỏa, sẽ thực hiện nhiệm vụ khác với các sứ mệnh trước đó của NASA, khi chỉ tập trung tìm hiểu sự bí ẩn ở thượng tầng khí quyển sao Hỏa chưa từng được nghiên cứu, mà không nhắm vào bề mặt khô khan của hành tinh đỏ.

Tàu được thiết kế để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra đối với carbon dioxide trong không khí và nước trên bề mặt sao Hỏa để giải thích vì sao hành tinh đỏ lại mất đi sự ấm áp và nước theo thời gian, để trở thành một nơi khô cằn không thể phát triển sự sống.


Tàu Maven sẽ tìm hiểu nguyên nhân khiến cho sao Hỏa mất khí quyển - (Ảnh: NASA)

Kết quả nghiên cứu của Maven được kỳ vọng sẽ giúp mở đường cho các chuyến viếng thăm của con người đến hành tinh đỏ trong tương lai, có thể sớm nhất là vào năm 2030.

NASA ngày 17/9 cho hay, tàu Maven đã trải qua hành trình 711 triệu km và gần như đã sẵn sàng để thẳng tiến vào quỹ đạo sao Hỏa.

Cũng theo cơ quan vũ trụ này, quá trình thâm nhập quỹ đạo của tàu Maven theo dự kiến diễn ra vào lúc 1 giờ 50 phút ngày 22/9 (giờ GMT, tức 8 giờ 50 phút cùng ngày theo giờ VN).

Sáu động cơ đẩy nhỏ của tàu Maven sẽ khởi động giúp giữ con tàu vũ trụ ổn định đi vào quỹ đạo. Các động cơ sẽ khai hỏa trong vòng 33 phút để giúp con tàu bay chậm lại vào kéo nó đi vào quỹ đạo hình elip xung quanh sao Hỏa, NASA cho biết trong một thông báo.

Một khi Maven bắt đầu bay quanh sao Hỏa, nó sẽ bước vào giai đoạn kéo dài sáu tuần cho các cuộc kiểm tra trước khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khí hậu hành tinh đỏ của mình.

"Maven sẽ bắt đầu cho nhiệm vụ chính kéo dài một năm để lấy các thông số về thành phần cấu tạo, kết cấu và sự thoát khí ở thượng tầng khí quyển sao Hỏa, cũng như sự tương tác của chúng với gió mặt trời và ánh sáng mặt trời", NASA cho hay.


Tàu thăm dò Maven được đặt trên tên lửa đẩy Atlas V 401 rời bệ phóng tại Căn cứ không quân Cape Canaveral ở Florida (Mỹ) vào ngày 18/11/2013 - (Ảnh: AFP)

Trong một năm thực hiện nhiệm vụ này, tàu Maven trị giá 671 triệu USD sẽ bay quanh hành tinh đỏ ở độ cao 6.000km và nó sẽ có năm lần hạ xuống thấp với khoảng cách chỉ 125km so với bề mặt sao Hỏa, để có thể nghiên cứu bầu khí quyển ở những vị trí khác nhau.

Theo AFP, con tàu hình vuông nặng 2.453kg với mỗi cạnh dài 2,5 mét này sẽ tiết lộ nguyên nhân vì sao bầu khí quyển sao Hỏa trở nên quá lạnh và mỏng để có thể hỗ trợ cho sự tồn tại của nước ở dạng lỏng.

Được biết, Maven là một phần của chương trình đầy tham vọng, bao gồm nhiều tàu thăm dò và xe tự hành được phóng tới sao Hỏa để thu thập dữ liệu, nhằm dọn đường cho sứ mệnh đưa người bay đến hành tinh này sẽ diễn ra vào những năm 2030, NASA cho biết.

Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.

Theo Thanh Niên
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video