Cơ quan không gian Ấn Độ cho biết tàu thăm dò sao Hỏa của họ đã vào khu vực lân cận sao Hỏa và sắp sửa đi vào quỹ đạo hành tinh này.
>>> Tàu vũ trụ Ấn Độ sắp đến sao Hỏa
"Tính toán của chúng tôi cho thấy tàu thăm dò Mars Orbiter Mission (MOM) đã bay vào khu vực chịu ảnh hưởng lực hút của sao Hỏa", Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo ngày 22/9 .
Theo kế hoạch, tàu này sẽ bay vào quỹ đạo sao Hỏa trong vòng 48 giờ nữa.
MOM, còn được gọi là Mangalyaan, là tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên của Ấn Độ được phóng vào tháng 11 năm ngoái. Dự kiến nó sẽ đi vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 24/9, kết thúc hành trình dài 300 ngày từ Trái đất.
Tàu thăm dò sao hỏa MOM của Ấn Độ - (Ảnh minh họa: telegram.ee)
Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới thực hiện thành công sứ mệnh thăm dò sao Hỏa, sau Mỹ, Nga và Cơ quan không gian châu Âu.
Nước này hiện đang chạy đua không gian với các nước châu Á khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác.
MOM nặng 1.350kg, được trang bị năm bộ công cụ, trong đó có một bộ cảm biến để lần tìm dấu hiệu có thể có của sự sống, một máy ảnh màu và quang phổ kế hình ảnh nhiệt để lập bản đồ bề mặt sao Hỏa cũng như bản đồ khoáng sản của hành tinh này. Nó cũng sẽ phân tích bầu khí quyển mỏng của sao Hỏa.
Chính phủ Ấn Độ đã chi 72 triệu USD cho sứ mệnh này.
Cũng trong hôm 22/9, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo tàu vũ trụ MAVEN của họ đã bay thành công vào quỹ đạo sao Hỏa sau hành trình dài 711 triệu km trong 10 tháng.
NASA cho biết nó sẽ bay thử nghiệm trên quỹ đạo sao Hỏa trong sáu tuần trước khi bắt đầu nghiên cứu bầu khí quyển hành tinh đỏ.
Nó cũng sẽ năm lần hạ xuống độ cao chỉ cách bề mặt sao Hỏa 125,5km để thực hiện các nghiên cứu ở những độ cao khác nhau.
Theo NASA, dự án MAVEN là bước chuẩn bị quan trọng để thực hiện kế hoạch đưa con người lên hành tinh đỏ vào năm 2030.
Tiêu đề đã được khoahoc.tv đổi lại.