Tàu NASA cất thành công mẫu đá tiểu hành tinh

Tàu Osiris-Rex lưu trữ ít nhất một kilogram mẫu bụi đá từ tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi Bennu, sẵn sàng mang về Trái đất trong năm sau.

Tàu vũ trụ Osiris-Rex của NASA lấy thành công bụi đá của tiểu hành tinh Bennu vào tuần trước, nhưng các nhà khoa học nhanh chóng nhận ra cánh tay robot của tàu thu thập nhiều vật chất đến mức các van của nó không thể đóng chặt, dẫn tới một phần mẫu vật bay vào không gian. Vì vậy, nhóm nghiên cứu trong dự án phải chỉ dẫn tàu Osiris-Rex lưu trữ mẫu vật bên trong khoang hồi quyển trước lịch trình. Hôm 29/10, NASA xác nhận tàu vũ trụ đã cất giữ thành công ít nhất một kilogram bụi đá tiểu hành tinh hay còn gọi là regolith. Con số này vượt xa mục tiêu tối thiểu của nhiệm vụ là 0,05kg. Số lượng mẫu vật bị thất thoát chỉ khoảng vài chục gram, theo Dante Lauretta, nhà nghiên cứu chỉ đạo nhiệm vụ.


Khoang chứa mẫu vật của tàu Osiris-Rex. (Ảnh: NASA).

Sau khi Osiris-Rex trở về Trái đất vào năm 2023, tàu sẽ thả khoang chứa mẫu vật qua khí quyển. Sau đó, khoang chứa sẽ hạ cánh bằng dù xuống sa mạc Utah để NASA thu hồi. Đây là mẫu vật đầu tiên được lấy từ tiểu hành tinh. Để thu thập mẫu vật tiểu hành tinh, tàu Osiris-Rex phải bay qua cánh đồng đá nguy hiểm và chạm vào bề mặt Bennu chỉ trong 6 giây.

Sau ngày hạ cánh chớp nhoáng, tàu vũ trụ gửi cho NASA những bức ảnh chụp khoang hàng quý giá, nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy nhiều hạt bụi đang trôi đi. Trước đó, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch dành hai tuần đánh giá mẫu vật, nhưng họ lo lắng nhiều vật chất bị thất thoát vào chân không vũ trụ. Vì vậy, họ phải đẩy nhanh quá trình lưu trữ, làm việc ngày đêm suốt hai hôm để đảm bảo cánh tay robot có thể cất mẫu vật an toàn vào khoang chứa. Khuỷu cánh tay phải đặt thẳng hàng với khoang chứa để khớp với nhau. Điều này có vẻ đơn giản, nhưng do tàu vũ trụ bay cách 321 triệu km, mỗi mệnh lệnh và phản hồi đều trải qua độ trễ 18 phút. Hôm 27/10, cánh tay của tàu vũ trụ đặt thành công đầu thu thập mẫu vật vào khoang chứa để mở.

Theo dự kiến, tàu Osiris-Rex sẽ bắt đầu chuyến bay dài ngày trở về Trái đất vào tháng 3/2021. Tàu sẽ thả khoang chứa mẫu vật vào ngày 24/9/2023. Trong vòng vài ngày sau khi mẫu vật đáp xuống Utah, nhóm nghiên cứu hy vọng có thể tiến hành phân tích tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Texas. NASA sẽ bảo quản một phần regolith cho nghiên cứu tương lai. Nghiên cứu đó có thể rất quan trọng trong hơn 100 năm tới, do đường bay của Bennu có thể khiến nó đâm vào Trái đất.

"Bennu là một trong những tiểu hành tinh có khả năng gây nguy hiểm nhiều nhất với nguy cơ va vào Trái đất trong thế kỷ 22. Một phần nghiên cứu của chúng tôi nhằm tìm hiểu quỹ đạo bay của nó, xác định khả năng va chạm, ghi chép các đặc điểm tự nhiên và hóa học để thế hệ tương lai có thể phát triển nhiệm vụ giảm thiểu tác động va chạm nếu cần", Lauretta giải thích.

Cập nhật: 02/11/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video