Tàu vũ trụ NASA quan sát được một chớp sáng nổi bật lóe lên khi thiên thạch đâm vào khí quyển sao Mộc ở độ cao 225km.
Các nhà nghiên cứu theo dõi cực quang sao Mộc bằng tàu vũ trụ Juno của NASA may mắn ghi lại được một vụ nổ thiên thạch rất sáng vào mùa xuân năm ngoái, Cnet hôm 26/2 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Geophysical Research Letters.
Thiên thạch (đốm màu vàng, phóng to) và cực quang (màu xanh lá) trên sao Mộc. (Ảnh: SWRI).
Các vụ thiên thạch đâm không hiếm với sao Mộc vì đây là hành tinh lớn nhất hệ Mặt Trời và có lực hấp dẫn mạnh. "Tuy nhiên, các sự kiện này diễn ra trong thời gian rất ngắn nên ít khi quan sát được. Bạn phải may mắn hướng kính viễn vọng về phía sao Mộc đúng lúc", Rohini Giles, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Các nhà thiên văn nghiệp dư sử dụng kính viễn vọng trên mặt đất để phát hiện 6 vụ va chạm thiên thạch trên sao Mộc trong thập kỷ qua, trong đó có một vụ va chạm lớn năm 2019. Giles cùng các đồng nghiệp có lợi thế lớn hơn nhiều khi sử dụng Juno, tàu vũ trụ bay quanh hành tinh khổng lồ này.
Nhóm nghiên cứu phát hiện một chớp sáng nổi bật trong tập hợp dữ liệu vì nó có các đặc điểm quang phổ rất khác so với tia UV từ cực quang sao Mộc, Giles giải thích. Khi xem xét độ sáng và những thông tin khác, nhóm nghiên cứu cho rằng chớp sáng phát ra từ thiên thạch khối lượng 249 - 1.497 kg, đâm vào khí quyển ở độ cao khoảng 225 km trên những đám mây.
Các vật thể đâm xuống sao Mộc có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng. Vụ va chạm lớn nhất từng ghi nhận xảy ra năm 1994, "thủ phạm" là sao chổi Shoemaker Levy 9. "Va chạm với các tiểu hành tinh và sao chổi có thể gây ảnh hưởng lớn đến đặc điểm hóa học của tầng bình lưu. 15 năm sau sự kiện, Shoemaker Levy 9 vẫn đóng góp tới 95% nước tầng bình lưu của sao Mộc. Do đó, việc tiếp tục quan sát các vụ va chạm và đánh giá tác động tổng thể là một biện pháp quan trọng để hiểu thêm về cấu tạo của hành tinh này", Giles nói.