Viện Công nghệ vũ trụ dân sự Argentina đã chế tạo thành công hệ thống tên lửa chống mưa đá. Hệ thống này có thể phá vở mây gây mưa đá ở tầm cao gần 20 km.
Chỉ bằng nguyên vật liệu nội địa, một nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ vũ trụ dân sự (ICTE) ở Argentina đã chế tạo thành công loại tên lửa mang hoá chất có khả năng phá vỡ quá trình hình thành mây gây mưa đá.
Viện trưởng ICTE - Frank Agostino cho biết, đầu tên lửa mang hoá chất đặc biệt, được nối mạng với hệ thống ra-đa và phương tiện kỹ thuật số. Nó có khả năng phát hiện sự hình thành mây gây mưa đá trên không.
Một khi đài chỉ huy tiếp nhận được tín hiệu có nguy cơ mưa đá từ ra-đa, hệ thống tên lửa tự kích hoạt và được nổ tung trên không phá vỡ chu trình tụ mây gây mưa đá trong khoảng thời gian khá ngắn.
Đây là một thành công lớn về khoa học ứng dụng trong sản xuất của các nhà khoa học Argentina. Loại tên lửa này đã tiết kiệm hàng trăm triệu USD cho Argentina và giúp cho nước này hoàn toàn chủ động trong công tác phòng chống mưa đá, bảo vệ mùa nho.
Argentina là một trong những nước trồng nho và sản xuất rượu vang lớn trên thế giới, đặc biệt tại các tỉnh Mendoza và San Juan.
Mưa đá là hiện tượng mới phát sinh tại Argentina. Trong năm 2006 đã diễn ra hai trận mưa đá lớn làm thất thu 35.000 héc-ta nho quý tại Mendoza và San Juan và gây thiệt hại vật chất trị giá hàng chục triệu USD.
Điều quan trọng hơn, giá thành loại tên lửa do Argentina sản xuất chỉ bằng 75% giá tên lửa cùng loại nhập từ Ukraina. Mặt khác, nó lại có tầm hoạt động cao gần 20 ki-lô-mét, cao hơn 2 lần so với tầm 9 ki-lô-mét của tên lửa nhập ngoại.