Các chuyên gia từ Đại học Kỹ thuật quốc gia Voronezh đang nghiên cứu phát triển một loại tàu kéo đưa vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau, sử dụng tên lửa siêu nhẹ.
Dự án đầy tham vọng này được hé lộ trong tập tài liệu học thuật về vũ trụ mà Sputnik tiếp cận được.
Nga đặt nhiều tham vọng vào dự án phát triển tàu kéo trong tương lai.
Theo các nhà phát triển, tàu kéo nặng 80kg, chở theo 16kg nhiên liệu lỏng. Tàu kéo được thiết kế để kéo một số vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau.
Đó được xem là lợi thế cạnh tranh so với các tên lửa không có tàu kéo.
Nga đang phổ biến sử dụng các tầng tăng tốc, trên thực tế là các tàu kéo đưa vệ tinh lên các quỹ đạo khác nhau.
Hôm 22/3, tầng Fregat được sử dụng trong tên lửa Soyuz mang theo 38 vệ tinh nước ngoài đến các quỹ đạo khác nhau.
Cuối năm 2020, truyền thông Nga đưa tin Tập đoàn vũ trụ nhà nước Roskosmos sẽ chi 4,2 tỷ rúp cho việc phát triển tàu kéo vũ trụ hạt nhân cho các chuyến bay đến các hành tinh khác của Hệ Mặt trời. Theo đó, tập đoàn nhà nước dự định phát triển một dự án sơ bộ về việc tạo ra một khu phức hợp không gian với mô-đun năng lượng - vận tải dựa trên cơ sở một động cơ điện hạt nhân.
Bày tỏ sự tin tưởng vào chương trình này, ông Alexander Bloshenko - giám đốc điều hành “Roskosmos” cho biết tàu kéo vũ trụ hạt nhân sẽ được phóng lên một trong những vệ tinh của Sao Mộc vào năm 2030.