Thành phố nổi trên hồ lớn nhất thế giới

Thành phố Neft Daşları (có nghĩa là Đá dầu) trải rộng giống như những xúc tu nổi han gỉ trên mặt biển Caspi, cách xa rìa đất gần nhất.

Neft Daşları là một mạng lưới giếng dầu và cơ sở sản xuất kết nối bởi hàng kilomet cầu giữa biển Caspi, hồ lớn nhất thế giới. Nó ở cách thủ đô Baku của Azerbaijan khoảng 96,5km và cách đất liền khoảng 6 giờ đi thuyền. Neft Daşları là giàn khoan dầu ngoài khơi cổ nhất thế giới theo sách kỷ lục Guinness. Ở thời kỳ hoàng kim, thành phố này là nơi ở của hơn 5.000 cư dân, theo CNN.

Tuy nhiên, trong vài thập kỷ gần đây, dân số của Neft Daşları giảm dần, nhiều khu vực trở nên đổ nát và chìm xuống biển. Tuy nhiên, thành phố vẫn hoạt động như một biểu tượng của lịch sử khai thác dầu lâu đời ở Azerbaijan tại Caspi, vùng hồ giàu nhiên liệu hóa thạch đang thu nhỏ dần do khủng hoảng khí hậu.


Thành phố Neft Daşları nằm trên biển Caspi ngoài khơi Baku, Azerbaijan. (Ảnh: Reza).

Lịch sử của Neft Daşları bắt đầu từ thời kỳ Liên Xô. Vào cuối thập niên 1940, công nhân dầu mỏ tập trung trên một hòn đảo nhỏ và xây dựng giàn khoan cùng ngôi nhà nhỏ để ở. Giếng thăm dò đầu tiên được khoan vào năm 1949 và tìm trúng mỏ dầu. Tàu chở dầu đầu tiên vào bờ năm 1951 và quá trình xây dựng thành phố bắt đầu. Thành phố Neft Daşları dần dần phát triển rộng ra, bao gồm những cọc sắt đóng xuống mặt biển và nằm cách mực nước biển vài mét như thể đang trôi nổi. Trên thực tế, thành phố được tạo ra từ gần 2.000 giếng dầu và khoảng 320 cơ sở sản xuất, nối với nhau bởi hơn 160 km cầu cùng gần 97km đường ống dầu khí.

7 tàu đã ngừng hoạt động được đưa đến khu vực và nhấn chìm xuống nước. Xác tàu hợp thành một vịnh nhân tạo giúp bảo vệ thành phố khỏi gió và sóng biển dù Neft Daşları vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi bão và biển động. "Một số tàu có thể nhìn thấy từ mặt nước ở nơi chúng bị nhấn chìm", Mirvari Gahramanli, giám đốc Tổ chức bảo vệ quyền lợi công nhân dầu mỏ Azerbaijan, cho biết.

Trong vài thập kỷ tiếp theo, Neft Daşları cung cấp chỗ ở cho công nhân, có một tiệm bánh, một nhà hát sức chứa hàng trăm người, các cửa hàng, cơ sở y tế, sân bóng đá và bãi đáp trực thăng. Thành phố thậm chí có cây cối và một công viên trên những cấu trúc thép. Một số người ở Azerbaijan gọi đây là "kỳ quan thứ 8 của thế giới" hoặc "hòn đảo của 7 con tàu". Thành phố là trung tâm của hoạt động sản xuất dầu ở biển Caspi và đạt sản lượng gần 180 triệu tấn dầu trong 75 năm tồn tại, theo công ty dầu khí SOCAR của Azerbaijan, đơn vị sở hữu và vận hành Neft Daşları. Ở thời kỳ hoàng kim năm 1967, Neft Daşları sản xuất kỷ lục 7,6 triệu tấn dầu.

Nhưng tầm quan trọng của thành phố giảm dần gần đây do các mỏ dầu lớn hơn được khai thác và giá dầu biến động. Sản lượng giảm còn chưa đầy 3.000 tấn/ngày (xấp xỉ 1 triệu tấn/năm), theo số liệu hồi tháng 1 của SOCAR. Sản xuất ở Neft Daşları chỉ chiếm một phần nhỏ trong sản xuất dầu của Azerbaijan, chủ yếu dành cho thị trường trong nước. Cùng với đó, dân số thành phố cũng giảm còn khoảng 3.000 người, trong đó công nhân thường làm việc theo ca 15 ngày ở biển và 15 ngày về nhà ở đất liền. Dưới ảnh hưởng của mưa bão ở biển Caspi, nhiều nơi trong thành phố đang đổ nát. Năm 2008, một số đoạn cầu lớn sụp đổ.

Nhà chức trách cũng nhận được nhiều báo cáo về tình trạng tràn dầu gây ô nhiễm ở Neft Daşları, nước thải chưa xử lý đổ ra biển Caspi. Tương lai của thành phố khổng lồ trên mặt nước khi cạn dầu là vấn đề tồn tại từ lâu. Một số người cho rằng Neft Daşları có thể trở thành địa điểm du lịch hoặc bảo tàng bởi thành phố là cái nôi của thăm dò dầu khí ngoài khơi và là một phần di sản của Azerbaijan.

Cập nhật: 08/11/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video