Thành quả “made in Vietnam”

Tháng 7-2005, một thông tin chấn động được công bố trên các mạng tin tức về y học, về tế bào gốc cũng như các cơ quan báo chí lớn như báo Washington Times, Đài truyền hình CNBC...

Một công ty Singapore đã nghiên cứu thành công việc phát triển tế bào gốc từ một bộ phận đặc biệt mà trước đây ít nhà khoa học nào chú ý là cuống dây rốn.

Một hướng đi đột phá đối với ngành tế bào gốc. Điểm bất ngờ là người chủ trì dự án là một nhà khoa học VN: PGS.TS Phan Toàn Thắng.

Sau hơn hai năm bắt tay vào nghiên cứu tế bào gốc nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan, một sự kiện tình cờ mang tính bước ngoặt đến với TS Thắng: nghe tin vợ người bạn sinh con, Thắng liền xin bộ nhau thai và cuống dây rốn để nghiên cứu. Chỉ sau một thời gian ngắn, kết quả thu được đã cho một hướng đi mang tính đột phá trong ngành tế bào gốc: thay vì sử dụng máu dây rốn để lấy tế bào gốc thì Thắng sử dụng màng lót cuống rốn. Phát minh này có thể tạo nên cuộc cách mạng trong điều trị.


PGS.TS Phan Toàn Thắng kiểm tra mẫu tế bào gốc cuống rốn trong phòng thí
nghiệm của mình ở ĐH Quốc gia Singapore

Trước đây để lấy tế bào gốc người ta thường phải lấy từ tủy, xương và máu, rồi lấy từ dây rốn của thai nhi hoặc là hủy thai nhi để lấy tế bào gốc. Các cách này gặp rất nhiều vấn đề như đạo đức, số lượng tế bào gốc không nhiều. Trong khi cách lấy từ màng lót cuống rốn đạt được hàng loạt tính năng ưu việt hơn. Điểm đầu tiên là trẻ sơ sinh nào cũng có cuống rốn nhưng thường bị vứt đi, cách lấy cũng đơn giản chứ không phức tạp như lấy ở các bộ phận khác. Việc lấy tế bào gốc ở cuống dây rốn cũng không gây nguy hiểm về tính mạng như các cách khác. Trong màng lót cuống rốn cũng có đủ hai tế bào chính là biểu mô và trung biểu mô mà ở những nơi khác khó có cùng một lúc hai loại. Do đó tế bào gốc màng lót cuống rốn có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào hơn như tủy, sụn, xương, da...

Một ưu thế khác là số lượng và khối lượng tế bào gốc lấy từ màng lót cuống rốn thật sự vượt trội. Trung bình một cuống dây rốn dài 55cm, bán kính 1cm. Nếu tách màng lót và trải ra trên một bề mặt thì có diện tích khoảng 330cm2, tương đương một trang giấy A5. Sau ba tuần nuôi cấy tế bào gốc biểu mô và trung biểu mô có thể lên đến con số 6 tỉ. Cách này không vi phạm y đức, không gây tổn thương cho cả mẹ và con trong quá trình thu giữ dây rốn. Điều này rất quan trọng, đặc biệt ở Mỹ và các nước phương Tây.


Cuống rốn nối thai nhi với mẹ

Một trong những ứng dụng đầu tiên của tế bào gốc lấy từ màng lót cuống rốn là điều trị vết bỏng. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 27 triệu người bị bỏng, 7 triệu người trong số đó phải nằm viện và hơn 1 triệu người chết vì các vết bỏng quá nặng. Những thí nghiệm trên người của nhóm nghiên cứu cho thấy kết quả vượt trội. Chỉ từ 3-7 ngày vết thương sẽ lên da non và kiểm tra sau ba tháng thì vết thương vẫn phát triển bình thường mà không có sự thải loại.

PGS.TS Phan Toàn Thắng:

- Từ năm 1991-1995 làm bác sĩ điều trị ở Viện Bỏng quốc gia.

- 1995 sang ĐH Oxford làm thực tập sinh.

- 1997 về nước, sau đó sang Singapore làm ở Bệnh viện ĐH Quốc gia Singapore.

- 2002 sang Mỹ nghiên cứu ở ĐH Stanford.

- Người đầu tiên trong hai năm liền được giải thưởng khoa học trẻ của Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia Singapore.

- Giải thưởng khoa học quốc tế của Hội đồng nghiên cứu phẫu thuật tạo hình Mỹ 2001.

- Năm 2003 được chọn báo cáo ở hội nghị khoa học hàng đầu Gordon.

- Tham gia nhóm đầu tiên trên thế giới nghiên cứu việc tương tác của biểu mô và trung biểu mô.

Triển vọng điều trị của tế bào gốc lấy từ cuống dây rốn là rất lớn. TS Thắng cho rằng khi cần thiết chúng ta có thể dùng tế bào cuống dây rốn đã bảo quản để điều trị nhiều loại bệnh như: bỏng, tổn thương da, gãy xương, teo cơ, tổn thương sụn và gân, liệt tủy, tiểu đường, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, Parkinson... và thậm chí có thể dùng cho thẩm mỹ và chăm sóc sắc đẹp. Chính nhờ việc tách được biểu mô và trung biểu mô cho thấy khả năng nuôi cấy nhiều bộ phận khác nhau. Trung biểu mô có thể nuôi gân, dây chằng. Hay đối với người bị teo cơ thì tiêm tế bào gốc lấy từ trung biểu mô sẽ giúp hồi phục. Nuôi cấy mô dùng tế bào gốc còn có thể làm liền vết thương, vết bỏng với tốc độ hồi phục nhanh và giá cả rất rẻ so với cách nuôi cấy da. Không dừng ở đó, tế bào gốc từ cuống rốn có thể nuôi cấy thành tế bào võng mạc rồi nuôi cấy tế bào nan lông để tạo tóc, lông. Biểu mô cũng làm được nhiều thứ như nuôi cấy bề mặt da, bàng quan, thực quản, gan, giác mạc. Tính đến nay phòng thí nghiệm của TS Thắng đã nuôi thành công tế bào mô, cơ, da.

Các khả năng ứng dụng khác đang được nghiên cứu rất đa dạng gồm: sản xuất tế bào gốc insulin, các loại nơtron thần kinh, thay thế các tế bào tủy sống, tái sinh xương và xương sống, chữa bệnh gan và tái sinh tế bào gan, tái sinh tim.

Kế hoạch thúc đẩy thương mại hóa cho tế bào gốc cuống rốn đang được TS Thắng triển khai mạnh mẽ. Các phát minh về chất điều trị sẹo, da nano, cuống rốn đều đã được đăng ký bản quyền tại Mỹ từ tháng 8-2004. Anh cũng liên tiếp thành lập hai công ty là Công ty CellResearch để thương mại hóa sản phẩm và Công ty Cordlab như một ngân hàng để trữ tế bào gốc dây rốn. Công ty của anh đang đàm phán với các ngân hàng dây rốn trên thế giới để có được lượng dây rốn lớn cho tương lai. 

Tháng 3-2006, khi TS Thắng về VN dự hội nghị miễn dịch đã gặp GS Phạm Mạnh Hùng, phó Ban Khoa giáo trung ương và cũng là người thầy cũ ở Viện Bỏng quốc gia. Sau khi được TS Thắng chia sẻ về các kết quả nghiên cứu của mình và dự định đưa về ứng dụng ở VN, GS Hùng đã cùng anh đến gặp Bộ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Văn Phong và một bản đề án về nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc màng lót cuống rốn được soạn thảo.

Đề án đặt mục tiêu xây dựng một ngân hàng cuống dây rốn cho VN. GS Hùng nhận định rằng việc trữ tế bào gốc trước nhất là hỗ trợ tốt cho những người bệnh. Khi cần đến thì dễ dàng sử dụng vì lấy của người khác có thể bị thải loại. Trữ tế bào gốc màng lót cuống rốn còn có thể bán cho người nước ngoài... VN có hơn 40 triệu phụ nữ, trong đó hơn 10 triệu trong độ tuổi sinh đẻ (20-45 tuổi), mỗi năm dự kiến có 2 triệu phụ nữ sinh con nên ngân hàng có dữ liệu đầu vào khổng lồ. Mỗi gia đình chỉ có hai con nên rất cần giữ để có nguồn tế bào chữa bệnh.

TS Thắng cho rằng qui trình lưu giữ, bảo quản dây rốn bằng đông lạnh rất dễ dàng, rẻ tiền. Trong điều kiện VN, chi phí lưu giữ dây cuống rốn 20 năm chỉ khoảng 1.500-2.000 USD.

Theo đề án, ở giai đoạn đầu (2-3 năm) ngân hàng sẽ nhận các cuống dây rốn vô danh và nghiên cứu một số kỹ thuật cơ bản trong ngành tế bào gốc, gồm có nghiên cứu điều trị một số bệnh thông thường như bỏng và loét... Đến cuối năm 2007 sử dụng tế bào máu cuống rốn để điều trị các bệnh máu ác tính, máu hiếm.

Về tài chính, đề án dự kiến đầu tư 14 tỉ đồng trong ba năm. Giai đoạn 1 (từ nay đến cuối năm 2007) đầu tư 8,6 tỉ đồng, trong đó Mekophar đóng góp 4,5 tỉ, còn Nhà nước hỗ trợ 4,1 tỉ. Sau đó đầu tư thêm 5,4 tỉ trong hai năm tiếp theo.

Giai đoạn 2 sẽ diễn ra việc thương mại hóa ngân hàng và các nghiên cứu. Mỗi gia đình khi ý thức được rằng việc trữ cuống dây rốn sẽ giúp ích cho cả gia đình vì khi một người trong gia đình bị bệnh sẽ có sẵn “nguyên liệu” để điều trị bệnh. Trong trường hợp này phải nộp tiền để trữ lạnh trong vòng 20-30 năm. Những người cần mua thì ngân hàng sẽ bán lại.

Việc thực hiện đề án này cần điều kiện tiên quyết là TS Thắng trao bản quyền kết quả nghiên cứu của anh và điều kiện này đã được đáp ứng. Điều kiện thứ hai là có bộ máy triển khai mạnh và nhóm đề án đã qui tụ được hầu hết những đơn vị mạnh ở VN. GS Hùng nhận định hết sức phấn khởi rằng êkip làm việc có rất nhiều lợi thế. Đó là sự kết hợp của các mô hình công ty và nhà khoa học, Nhà nước và tư nhân làm cho đề án có thể linh hoạt và nhanh chóng đưa vào thương mại hóa, từ đó thúc đẩy nghiên cứu sâu.  

Theo Tuổi trẻ
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video