Vi khuẩn Yersinia pestis (Ảnh: zkea.com) |
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, tập trung nghiên cứu ở Kazakhstan, đã phát hiện khi các mùa xuân ấm áp và mùa hè ẩm ướt hơn, các vi khuẩn gây ra những căn bệnh chết người này trở nên dễ lây lan hơn.
Vi khuẩn Yersinia pestis được cho là đã gây bệnh dịch hạch giết chết hơn 20 triệu người vào thời Trung cổ. Theo các nhà nghiên cứu, căn bệnh này thường gặp ở loài gặm nhấm.
Theo các nhà khoa học Na Uy, vùng sa mạc Trung Á được biết là ổ bệnh dịch hạch tự nhiên do đây là nơi sinh sôi nguyên thủy của loài chuột nhảy lớn (Rhombomys opimus) - động vật ký sinh ban đầu của dịch hạch. Bệnh lây lan nhanh thông qua loài động vật ký sinh này và loài bọ chét hay gặp ở chuột nhảy.
Loài chuột nhảy lớn - Rhombomys opimus (Ảnh: blueyonder) |
Sự thuận lợi của khí hậu đã dẫn đến gia tăng số lượng loài côn trùng này, hậu quả là nguy cơ lan truyền bệnh dịch hạch lớn hơn. Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ chỉ cần tăng 1 độ C vào mùa xuân cũng đủ dẫn đến tăng 59% căn bệnh này.
Theo thống kê, mỗi năm có trên 3.000 trường hợp người nhiễm bệnh dịch hạch được báo cáo ở châu Á, các khu vực của châu Phi, Mỹ và Nam Mỹ.
Nhóm nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ giúp nhà chức trách các nước có các biện pháp hạn chế nguy cơ bùng phát các ổ dịch trong tương lai. Phát hiện cũng đã giúp làm sáng tỏ sự bùng phát của 2 ổ dịch hạch lớn nhất thế giới: ổ dịch hạch thế kỷ 14 (thời Trung cổ) và ổ dịch hạch tại châu Á trong thế kỷ 19 làm hàng chục triệu người thiệt mạng. Các phân tích cho thấy thời tiết giai đoạn đó ẩm ướt hơn và ấm hơn.
Người bị hạch do nhiễm vi khuẩn Yersinia pestis (Ảnh: bepast.org)
T.VY